Chớp từng sải cánh

Thảo Nguyên 04/08/2016 07:50

Gần 100 tác phẩm từ cuộc phiêu lưu trong thế giới hoang dã của hai nhiếp ảnh gia nghệ thuật gốc Việt Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam trong triển lãm Sải cánh hoang dã, diễn ra từ ngày 4 - 7.8, tại Hanoi Creative City, Hà Nội.

Những vùng đất không dấu chân người

Một câu chuyện sống động, kỳ thú về hành trình tìm vẻ đẹp thông qua nhiếp ảnh nghệ thuật, ghi lại hình ảnh những loài vật ít khi con người nhìn thấy. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp tuyệt vời ấy là vô số gian nan mà hai tác giả đã trải qua.

Con đường đến với thế giới hoang dã của hai nhiếp ảnh gia nghệ thuật gốc Việt Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn không giống nhau, nhưng họ có chung hành trình đi tới những vùng đất đặc biệt - nơi không có dấu chân người, không có khách sạn tiện nghi hay sóng điện thoại... Họ thường xuyên thức dậy trước bình minh, xuyên rừng với nhiều dụng cụ chụp ảnh nặng trĩu trên vai, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, muỗi, nhện rừng vây quanh, để cho ra đời những tấm ảnh đẹp. Thậm chí, có lúc họ lâm vào tình huống nguy hiểm. Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn kể: “Khi tôi đang lội xuống đầm lầy để chụp cò, một con cá sấu Florida khổng lồ bò đến phía sau, chỉ cần tỏ ra hoảng hốt là tôi có thể làm mồi cho cá sấu. Hay khi tôi cắm trại một mình giữa cánh rừng châu Phi, đêm đêm làm bạn với tiếng gầm của sư tử, nghe chúng ngấu nghiến nhai xương, róc thịt con mồi”...

Những kỷ niệm khi bước chân vào thế giới hoang dã của nhà nhiếp ảnh Đặng Mỹ Hạnh cũng “dữ dội” không kém. Dù tầm vóc nhỏ bé, nhưng chị vẫn làm các đồng nghiệp phương Tây phải ngạc nhiên vì cầm chiếc máy to và nặng trong thời gian dài, vững vàng, chớp chính xác từng khoảnh khắc của con vật. Chị cho biết phải tập tạ hàng ngày để rèn luyện sự dẻo dai. Với phụ nữ, hành trình này khá gian khổ, nhưng không thể cưỡng lại trước vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã, các chuyến đi của chị nhiều không nhớ hết. Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt chuyên về thể loại nghệ thuật wildlife chia sẻ: “Một lần tôi chụp cú tuyết ở Bắc Cực, đứng giữa tuyết mênh mông trong nhiều giờ, dù mặc nhiều áo, chân đi đồ chuyên dụng giữ ấm mà vẫn tê cóng. Tôi mất nhiều ngày liên tiếp tìm kiếm vì nó lẩn giữa tuyết nên khó nhìn thấy. Tới lúc sắp chịu không nổi, may mắn là con cú xuất hiện. Khi nhìn thấy nó bay tới, tôi như ngưng thở, bởi nó đẹp tuyệt vời như trong phim ảnh. Với nhiệt độ khoảng -300C, khi thấy cú, tôi đưa ngón tay ra khỏi bao chỉ một vài giây thôi, chúng như đông cứng lại, đôi chân sau đó bị phỏng lạnh... Đây là dấu ấn khó quên trong cuộc đời chụp ảnh của tôi”.

Thông điệp bảo tồn thiên nhiên

Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mỗi bức ảnh còn là một thông điệp về giá trị của môi sinh và ý thức bảo tồn thiên nhiên. Chị Mỹ Hạnh cho biết: Những khu vực sinh sống của động vật hoang dã thường có bảng cấm xâm phạm. Đặc biệt chim thú luôn nhạy cảm với sự có mặt của con người. Do vậy, những tay chụp ảnh thú hoang dã luôn được trang bị kiến thức, cách hành xử với chúng, khi chụp phải giữ khoảng cách hạn chế, không được tới gần. “Chụp loài sếu Đồi cát, chúng tôi mất vài tuần lễ, phải làm sao để chúng không cảm giác có sự có mặt của mình, từ cú bấm máy, hành động nhẹ nhàng, thậm chí muỗi cắn cũng phải nằm im, nhưng mắt vẫn nhìn vào màn hình để chớp chính xác. Có lần, tôi chụp một tổ chim ưng từ khi nở trứng tới khi lớn lên. Tôi có thể đặt tên từng con chim, và thấy chúng gần gũi, quen thân”.

Còn theo Andy Nguyễn, với những nơi loài vật làm tổ, sinh sản, khi con người xâm phạm, chim sẽ bỏ tổ, không có sự nuôi dưỡng của bố mẹ, chim non sẽ không sống được, “dân số” của chúng sẽ bớt đi và dần dần không còn sống được trên trái đất này nữa. Do đó, ngoài quy định của mỗi cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, mỗi nhiếp ảnh gia còn phải luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp...

Mỗi sải cánh là một thông điệp về thế giới thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp, vẻ đẹp đáng khai mở, giữ gìn, trân trọng và tôn vinh - đó chính là điều mà hai nghệ sĩ gửi gắm trong các tác phẩm của mình. “Triển lãm giới thiệu về các loài thú hoang dã trên khắp thế giới, nhưng trăn trở của chúng tôi là trong tương lai sẽ có những tác phẩm về thú hoang dã Việt Nam. Ở Việt Nam, chúng tôi thấy những con voọc tuyệt đẹp, rất ăn ảnh. Tôi mong muốn có nhiều cơ hội về nước chụp ảnh và có triển lãm lớn hơn để công chúng chiêm ngưỡng thế giới tự nhiên Việt Nam, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ động vật hoang dã” - chị Đặng Mỹ Hạnh nói.

Andy Nguyễn là nhiếp ảnh gia nghệ thuật gốc Việt đầu tiên được vinh danh tước hiệu BBC Wildlife Photographer of the Year, năm 2009. Tác phẩm của anh đã được đăng trên những tạp chí nổi tiếng thế giới như National Geographic, được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Anh và Mỹ.

Đặng Mỹ Hạnh từng đoạt giải nhất cuộc thi Milvus Nature Photography Contest 2014, Huy chương Bạc (Science & Nature) giải International Loupe. Chị từng vào chung kết BBC Wildlife Photographer of the Year 2014, có tác phẩm được chọn vào Những tác phẩm thiên nhiên đẹp nhất 2015 của Hội Nhiếp ảnh Chuyên ngành Thiên nhiên - Động vật hoang dã (NANPA), và nhiều Huy chương Vàng PSA cho thể loại ảnh thiên nhiên hoang dã.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chớp từng sải cánh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO