Chớp thời cơ, giành chính quyền, tạo bước nhảy vọt
Cách mạng tháng Tám sở dĩ đã diễn ra một cách nhanh gọn, ít tổn thất, nhưng thành quả đạt được lại vô cùng to lớn là do đã chọn đúng thời cơ để nổ ra.
Thời cơ ngàn năm có một
Tháng 5.1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, Nhật Bản rơi vào thế trơ trọi và bị cô lập mạnh mẽ. Nhằm đè bẹp ý chí kháng cự của Nhật Bản, ngày 6.8.1945, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử thứ nhất xuống Hiroshima và 3 ngày sau, ném tiếp quả thứ hai xuống Nagasaki, hủy diệt hai thành phố này. Trong khi đó, ngày 8.8.1945, Liên Xô cũng tuyên chiến với Nhật, và từ ngày hôm sau trên 1,7 triệu Hồng quân Liên Xô đồng loạt tấn công vào Quan Đông đang chiếm giữ vùng đông bắc Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Sau gần hai tuần công kích, đạo quân chủ lực, lá chắn cuối cùng của đế chế Nhật Bản bị đánh tan. Những đòn tấn công quyết liệt của quân Đồng minh đã làm tiêu tan hy vọng kháng cự cuối cùng của giới quân phiệt Nhật Bản. Ngày 11.8.1945, Tokyo gửi điện văn cho Đồng minh tuyên bố chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Ngày 14.8, Nhật hoàng Hirohito chính thức tuyên bố đầu hàng hoàn toàn, vô điều kiện và ra lệnh cho quân đội Nhật ở tất cả chiến trường hạ vũ khí.
Tin tức về việc Tokyo chấp nhận đầu hàng đã lan truyền ở Việt Nam ngay trong đêm ngày 11.8.1945, mặc dù tới tận trưa ngày 16.8, thông tin này mới được bộ chỉ huy quân Nhật ở Đông Dương chính thức khẳng định. Cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc được tạo ra từ cuộc đảo chính Nhật - Pháp (ngày 9.3.1945) đã đạt tới đỉnh điểm. Hàng ngũ quân Nhật ở Việt Nam hoang mang, dao động cực độ. Một số sĩ quan và binh lính Nhật tự sát. Hàng trăm người khác tìm cách liên lạc và chạy sang xin gia nhập Việt Minh.
Tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng đã đẩy cuộc khủng hoảng ở nước ta lên tới đỉnh cao, tạo ra thời cơ khách quan vô cùng thuận lợi cho cuộc cách mạng nổ ra và giành thắng lợi. Rõ ràng, thời cơ cho việc giành chính quyền của nhân dân ta đã mở ra, nhưng thời cơ đó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất hạn hẹp. Lúc này, cuộc đấu tranh giành độc lập có đi tới thắng lợi được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực vùng lên tự giải phóng của chính dân tộc ta.
Tập trung, thống nhất, kịp thời
Ngày 13.8.1945, ngay khi hay tin Nhật chuẩn bị đầu hàng Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng, họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị nhấn mạnh: Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi người đều phải nhằm vào những việc chính. Thống nhất - thống nhất về mọi phương tiện quân sự, chính trị, hành động, không bỏ lỡ cơ hội.
Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 - 15.8.1945 cũng khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: a, tập trung; b, thống nhất; c, kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”.
Ra chỉ thị phải thành lập ngay Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân. Vào 11h đêm ngày 13.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa phát lệnh Tổng khởi nghĩa, ra bản Quân lệnh số 1, trong đó có đoạn viết: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!… Cuộc thắng lợi hoàn toàn sẽ về ta!”. Vì lúc này thời cơ có một không hai đã đến với dân tộc chúng ta, bởi vậy “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào ngày 16 - 17.8.1945, sau khi tán thành và thông qua quyết nghị Tổng khởi, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi đồng bào sau khi Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh đất nước đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức mình mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”.
Bước nhảy vọt vĩ đại
Trong Cách mạng tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15.8) và kết thúc trước khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Postdam (ngày 5.9). Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa tháng Tám không tiến hành thành công vào thời điểm nào khác ngoài thời điểm trên. Nếu khởi nghĩa sớm hơn, khi Nhật chưa đầu hàng thì sẽ khó khăn, vì chúng tuy có suy yếu, nhưng vẫn còn lực lượng để chống cách mạng. Ngược lại, nếu Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Anh (từ vĩ tuyến 16 trở vào và núp sau đó là Pháp đang lăm le quay trở lại nước ta) và từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc - quân Tưởng, tiếp đến là đế quốc Mỹ đã nhảy vào nước ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc Tổng khởi nghĩa chưa nổ ra, ta chưa giành được chính quyền?
Cả hai thế lực “nhập Việt” quân Tưởng ở miền Bắc và quân Anh ở miền Nam đều có dã tâm ngay chặn cách mạng Việt Nam thắng lợi, kẻ thì “diệt Cộng cầm Hồ”, kẻ thì che ô cho thực dân Pháp khôi phục nền thống trị. Tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa trong thời gian này, Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tận dụng triệt để những thuận lợi cơ bản: phát xít Nhật hoang mang, mất tinh thần; chính phủ Trần Trọng Kim yếu thế; quân Đồng minh chưa vào nước ta; quân Pháp có tham vọng quay trở lại Việt Nam, chúng chưa có lực lượng. Đó là lúc kẻ thù cũ đã gục ngã nhưng kẻ thù mới chưa kịp đến, so sánh lực lượng có lợi nhất cho cách mạng. Chính vì phát hiện được thời cơ, nắm bắt được thời cơ, biến thời cơ thành sức mạnh vật chất. Đảng đã phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt vĩ đại: nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần trong cao trào kháng Nhật cứu nước lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cuộc Tổng khởi nghĩa như một luồng điện cực mạnh tỏa rộng và tỏa nhanh khắp Bắc, Trung, Nam. Về cơ bản, Cách mạng tháng Tám nếu tính mở đầu từ ngày 19.8 tại Hà Nội và kết thúc ngày 28.8 tại Hà Tiên thì chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày, phạm vi từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Cuộc cách mạng đã nổ ra và thành công ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh chưa đầy hai tuần lễ. Và cũng với một thời gian không nhiều hơn thế, nền độc lập thật sự của Việt Nam đã được tuyên bố ngay trước khi quân Đồng minh tiến vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật, tạo nên một kỳ tích trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Cách mạng tháng Tám mà Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động như cơn sóng thần, đã cuốn phăng chính quyền phát xít Nhật và tay sai. Ngày 30.8, Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và tuyên bố: “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Trên đống đổ nát đó, chúng ta bắt tay xây dựng chế độ cộng hòa dân chủ bằng việc công bố trước quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Ba Đình ngày 2.9.1945.