Chống tham nhũng đồng bộ với chống tiêu cực

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 06:23 - Chia sẻ

Sáng qua, Bộ Chính trị đã họp và quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Đây là chủ trương rất đúng cả về lý luận, thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Với quyết định này, một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực là nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong một số cuộc họp gần đây. “Tiêu cực”, theo Tổng Bí thư, nguy hiểm nhất chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống - “cái này mới dẫn đến tham nhũng”. Thời gian qua, các vụ án, vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử chủ yếu là những vi phạm xảy ra trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu mở rộng phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Bởi, “không chỉ chống tham nhũng, mất tiền, mất bạc, mà mất người mới là nguy hiểm, suy thoái về đạo đức, lối sống thì mất cả chế độ”, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý. Cũng theo Tổng Bí thư, “tiền bạc còn có thể thu lại được, chứ con người mà đã mất phẩm chất chính trị, trở thành phản bội rồi thì khó lắm”; chưa kể “hư hỏng về con người sẽ lây lan ra những người khác, trở thành sự chống đối chế độ lại càng nguy hiểm”.

Quan điểm này tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại cuộc họp sáng qua. Theo đó, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, “công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Một trong những điểm mấu chốt được người đứng đầu Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh, đó là không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai nội dung này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng. “Đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh và đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì công tác này thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những kết quả đạt được khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Tuy nhiên, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Và một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tham nhũng chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thời gian qua, chúng ta chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh phòng chống tham nhũng với đấu tranh phòng, chống tiêu cực. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: "Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ". Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là chủ trương rất đúng cả về lý luận, thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đúng về mặt lý luận, bởi theo nghĩa rộng, tham nhũng là một bộ phận của tiêu cực. Còn về mặt thực tiễn, tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng và tham nhũng làm trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực. Thực tế cũng cho thấy, những vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được đưa ra xét xử thời gian qua đều có yếu tố “tiêu cực”.

Với tên gọi bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cùng đối tượng và phạm vi sáng rõ được Bộ Chính trị xác định tại Phiên họp, có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực của “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu sẽ tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, góp phần vào việc xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của Nhân dân.

Lam Giang