Chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng... có nên bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường không?

Hồng Lê 02/12/2012 09:21

Từ nhiều năm trước - Đảng ta đã chỉ ra nguy cơ tham nhũng. Nguyên nhân xảy ra tham nhũng thì rất nhiều, nhưng có một nguyên nhân hết sức quan trọng đó là do chúng ta chưa thật sự quan tâm, coi trọng và phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, chưa thực sự xây dựng được một thiết chế dân chủ thống nhất, ổn định và đủ mạnh để tham gia có hiệu quả vào mọi mặt của đời sống xã hội theo đúng nghĩa “Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”, việc hạn chế suy thoái, ngăn ngừa “một bộ phận không nhỏ” tha hóa, biến chất chưa có một cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm khắc chế, ngăn chặn... đủ mạnh, đủ hiệu lực từ bên ngoài và bên trong bộ máy quyền lực.

Đối với chế độ dân chủ - XHCN như nước ta, Đảng lãnh đạo tối cao, toàn diện; chính quyền Nhà nước gồm 2 cơ quan: Quốc hội (ở TW), HĐND (ở địa phương) và Chính phủ (ở TW) UBND 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Trong đó Quốc hội/HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước, Chính phủ/UBND các cấp là cơ quan chấp hành, thực thi, thừa hành pháp luật.

Có thể ví nôm na: trên cơ thể người hoàn chỉnh, Đảng là bộ não chỉ huy mọi hoạt động; 1 cánh tay là Quốc hội/HĐND các cấp: thực hiện quyền lực của nhân dân, quyết định các vấn đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và trực tiếp giám sát việc thực hiện; 1 cánh tay là Chính phủ/UBND các cấp tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội/HĐND các cấp.

Nói như vậy, có nghĩa là với một thiết chế dân chủ đầy đủ thì ở mỗi cấp chính quyền đều phải tồn tại song song 2 cơ quan: trên thì Quốc hội - Chính phủ; dưới thì HĐND - UBND, bỏ một cơ quan là cơ thể mất một cánh tay.

Từ năm 2009, Chính phủ tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và thế là ở một số tỉnh, một thiết chế dân chủ cấp quận, huyện, phường bị xóa bỏ. Từ đó đến nay, hàng năm Chính phủ đều chỉ đạo UBND cấp tỉnh tổng kết, đánh giá (UBND các tỉnh lại giao cho các Sở Nội vụ tham mưu, xây dựng báo cáo) đã thống kê được vô số “cái lợi” khi bỏ HĐND cấp huyện: nào là bỏ được một khâu trung gian, giảm được bao nhiêu biên chế, tiết kiệm - làm lợi được bao nhiêu kinh phí cho Nhà nước và đặc biệt tính “dân chủ được phát huy tốt hơn, trực tiếp hơn...” (?!) và để cho khách quan, nghe đâu người ta còn thuê một tổ chức tư vấn độc lập của nước ngoài khảo sát, đánh giá về kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và đã có những kết luận hết sức khôi hài: bỏ HĐND bớt được một cái gật đầu, giảm được một tỷ lệ tham nhũng đáng kể (?!) nghe mà thấy xúc phạm, đau lòng.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, việc nảy sinh ý định và tổ chức thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường cũng có một phần nguyên nhân chủ quan từ bản thân HĐND các cấp. Ở nhiều địa phương, HĐND chưa thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Trình độ năng lực cán bộ hạn chế, hoạt động xuôi chiều, kém hiệu quả, sự tồn tại và hoạt động nhiều khi mang tính hình thức (có cũng được mà không có cũng chẳng sao), chẳng thế có vị dễ dãi (không biết thật hay đùa): “HĐND mình như một lọ hoa, trang trí cho đẹp là chính, khi thấy vướng víu, không cần, người ta sẵn sàng dẹp bỏ...

Đi sâu tìm hiểu, ngay cả ở cấp Trung ương và một số địa phương, từ trước đến nay cấp ủy và chính quyền chưa thực sự coi trọng vai trò của HĐND, chưa coi đây là một cơ quan quyền lực của Nhà nước, của nhân dân theo đúng nghĩa của nó, do đó chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng, củng cố đầy đủ vai trò, vị thế của HĐND.

Trước hết, về tổ chức, bộ máy HĐND tỉnh: chưa có quy định thống nhất, cụ thể cho các địa phương thực hiện. Có tỉnh Bí thư hoặc Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, nhưng cũng có tỉnh Chủ tịch HĐND chuyên trách. Đối với các Ban HĐND, có tỉnh thì chuyên trách, có tỉnh thì kiêm nhiệm. Cơ quan tham mưu, phục vụ có nơi là Văn phòng chung (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND), có nơi tách riêng thành Văn phòng HĐND tỉnh; cơ cấu các phòng chức năng chuyên môn cũng không giống nhau, nơi nhiều, nơi ít; nơi gộp vào, nơi tách ra... Vì không thống nhất nên có một thực tế là tỉnh nào có Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thì HĐND tỉnh đó mạnh, có vai trò, vị trí tương xứng và hoạt động hiệu quả; tỉnh nào làm khác (có rất nhiều lý do khác nhau) thì chắc chắn quyền lực và hiệu quả hoạt động hạn chế hơn.

Để trở thành cơ quan quyền lực, HĐND phải có thực quyền. Mỗi vị trí của cơ quan Thường trực HĐND tỉnh cũng đều phải có quyền lực - thực quyền. Khi Đảng là lãnh đạo tối cao, toàn diện thì về chức vụ trong Đảng, Chủ tịch HĐND chuyên trách phải tương đương với Chủ tịch UBND trở lên (nếu chỉ là Ủy viên thường vụ thì làm sao có thể giám sát việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Phó bí thư - Chủ tịch UBND một cách công tâm, hiệu quả được?).

Các Ban HĐND tỉnh (ít nhất là những Ban quan trọng) phải được tham gia BCH Tỉnh ủy (có một số tỉnh hiện nay, 100% các Trưởng ban chuyên trách đều không được tham gia BCH Tỉnh ủy), nếu thế trong quá trình khảo sát, giám sát, thẩm tra... ở huyện nào, ngành nào cũng không dám nói mạnh, vì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này đều là Tỉnh ủy viên cả (dù là chức vụ dân cử - nhưng nhân sự các Ban HĐND cũng phải được Tỉnh ủy duyệt từng người, từng vị trí, từng khóa, từng nhiệm kỳ...), có tỉnh, thậm chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cũng không được cơ cấu trong Tỉnh ủy (mà không hiểu vì sao đến bây giờ, vẫn tồn tại và duy trì chức vụ Ủy viên Thường trực HĐND, chân không đến đất, cật chẳng đến trời như thế?). Vậy thì quyền lực ở đâu, thực quyền ở đâu?

Khi đã không được quan tâm, đề cao vai trò, vị trí của cơ quan Thường trực như đã nói trên thì việc quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ cho các cơ quan của HĐND cũng sẽ chỉ được thực hiện một cách hình thức, không có chất lượng. Người ta điều động, luân chuyển về cơ quan này những cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu, những cán bộ không được đề cử hoặc không có chỗ vào các vị trí khác; thậm chí có những cán bộ năng lực yếu kém, uy tín thấp không đảm đương được chức vụ công tác hiện tại nhưng do tuổi còn trẻ nên điều động về công tác và giữ chức vụ tương đương ở HĐND (?)... như thế thì lấy đâu ra năng lực, nhiệt huyết và uy tín để công tác tại một cơ quan quyền lực? làm sao có thực quyền?

Nếu quyền lực chỉ mang tính danh nghĩa, tượng trưng và không có thực quyền thì chất lượng quyết định, chất lượng và hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử (mà nói rộng ra là của nhân dân) cũng hạn chế. Vậy nên nạn tham nhũng ở chừng mực nào đó tự do phát triển mà không có được những cơ quan giám sát, một cơ chế giám sát của nhân dân đủ mạnh để sớm phát hiện và ngăn chặn (nhất là trong bộ máy chính quyền nhà nước). Vậy nhưng thay vì phải khẩn trương, quyết liệt củng cố, gia tăng vai trò, vị thế; gia tăng chất lượng toàn diện cho HĐND các cấp thì người ta lại nhăm nhe xóa bỏ HĐND ở một cấp cơ sở rất quan trọng là quận, huyện, phường (?). Và... biết đâu, những lý luận được đưa ra để bỏ HĐND cấp huyện, cũng có thể sẽ được đưa ra để bỏ cả HĐND cấp tỉnh sau này.

Chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng là sự kiện chính trị lớn nhất hiện nay, thiết nghĩ để cuộc cách mạng quan trọng này đạt được kết quả mong muốn, Đảng, Quốc hội và Nhà nước nên dừng việc thí điểm để khôi phục sớm HĐND quận, huyện, phường; đồng thời nghiêm túc xác định cho đúng vị trí, vai trò của cơ quan HĐND, tạo mọi điều kiện cần thiết để củng cố, nâng cao vị thế và đảm bảo thực quyền cho cơ quan quyền lực của nhân dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng... có nên bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường không?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO