Chọn ưu tiên tăng trưởng hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế?

Nguyễn Long
Theo PS
06/08/2012 08:42

Tăng trưởng hàng năm GDP quý hai của Trung Quốc đã chậm lại chỉ còn 7,6% từ mức 8,1% trong quý một và là mức tăng thấp nhất kể từ quý hai năm 2009. Dữ liệu này có thể tạo ra lo ngại về một sự hạ cánh cứng cho Trung Quốc và khiến nhiều người cho rằng nước này cần phải kích thích nền kinh tế nhiều hơn nữa để đạt được mức tăng trưởng 8%/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh nên tiếp tục con đường hiện nay, hy sinh tăng trưởng để đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm trong năm 2012 Nguồn: China NBS
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm trong năm 2012
Nguồn: China NBS

Kể từ  đầu năm 2010, để kiềm chế lạm phát và bong bóng bất động sản, Bắc Kinh đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Kết quả là lạm phát đã giảm xuống chỉ còn 2,2% vào tháng 6, mức thấp nhất trong 29 tháng trở lại đây. Còn giá nhà – do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng cho công bố số liệu chính thức – có vẻ đã đi vào ổn  định, thậm chí có hạ xuống đôi chút.

Đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, ở một khía cạnh nào đó, là thành công của chính phủ trong nỗ lực khống chế bong bóng bất động sản cũng như tái cân bằng nền kinh tế. Tỷ lệ gia tăng đầu tư vào phát triển bất động sản, phần chiếm đến hơn 10% GDP, đã giảm 16,3% trong nửa đầu năm 2012. Điều này kéo theo sự suy giảm đầu tư trong nhiều ngành liên quan như vật liệu xây dựng, nội thất và đồ gia dụng, khiến cho tăng trưởng hàng năm trong đầu tư tài sản cố định giảm xuống 20,4% từ mức 25,6%. Xu hướng tiêu dùng hộ gia đình kém rõ ràng hơn. 

Sự suy giảm kinh tế năm 2012 đã được chính phủ Trung Quốc dự đoán từ năm 2011. Trong bài phát biểu trước Quốc hội hồi đầu năm, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lý giải tại sao mục tiêu tăng trưởng cho năm 2012 chỉ là 7,5% và chỉ ra rằng mục đích là để “hướng người dân trong mọi lĩnh vực tập trung vào công việc đẩy nhanh sự chuyển hóa mô hình phát triển kinh tế và khiến phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả  hơn”. Thực tế, để tạo ra không gian đủ cho thay đổi mô hình phát triển tập trung vào GDP, kế  hoạch năm năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã  đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình hàng năm vào khoảng 7% trong giai đoạn 2010 - 2015.

Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc là vào khoảng 50% GDP trong đó đầu tư vào bất động sản chiếm hơn 10% GDP với sự hiệu quả đầu tư đang giảm sút nhanh chóng. Với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 10%, một tỷ lệ đầu tư 50% có nghĩa tỷ số vốn/đầu ra là 5, một con số cao bất thường so với các quốc gia khác.

Tỷ lệ tiêu dùng của Trung Quốc là 36% - con số tương đối thấp. Trong khi phần lớn lượng tiền được đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng, chi tiêu công vào nguồn nhân lực và an sinh xã hội lại thấp hơn mức trung bình của thế giới. Nhiều nguồn lực hơn cần phải được tái phân bổ cho lĩnh vực nguồn nhân lực.

Nhờ vào nguồn thặng dư tài khoản vãng lai và tài khoản vốn trong hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tích luỹ được 3,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, là một quốc gia với tài sản ròng nước ngoài lớn, Trung Quốc hiện đang thâm hụt tài khoản thu nhập đầu tư. Kể từ 2008, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm sút nhanh chóng trong tỷ lệ so sánh với GDP. Câu hỏi ở đây là liệu sự giảm sút đó mang tính chu kỳ hay căn bản.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc nên đẩy nhanh các điều chỉnh kinh tế của mình, dù phải hy sinh tăng trưởng. Nếu không, nước này sẽ phải trả một cái giá điều chỉnh cao hơn sau này. Trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã cố duy trì tăng trưởng tối thiểu 8%/năm, mức cần thiết để tạo ra 10 triệu việc làm mới hàng năm. Nhưng những thay đổi về cơ cấu dân số và các cấu trúc khác đã biến đổi điều kiện thị trường lao động. Cho đến giờ, kể cả với mức 8%, vẫn có dấu hiệu của sự căng thẳng. Vấn đề ở đây là liệu chính phủ Trung Quốc có sợ mức tăng trưởng quý thấp nhất trong ba năm trở lại đây để đưa ra một gói kích thích lớn hay không, cho dù hậu quả của một gói như vậy có thể lường trước.

Thủ tướng Ôn gần đây nói rằng Trung Quốc “nên tiếp tục triển khai chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ cẩn trọng, đồng thời tạo nhiều ưu tiên để duy trì tăng trưởng”. Hơn nữa, trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc  đã chấp thuận một số dự án thép và năng lượng lớn và điều này có thể được tiếp tục trong tương lai.

Chắc chắn một chính phủ phải phản ứng kịp thời trước những thay đổi. Nhưng sự suy giảm đà tăng xuống 7,8% trong nửa đầu năm 2012 chưa đến mức khiến cho chính sách của chính phủ Trung Quốc phải chuyển hướng. Trung Quốc phải lựa chọn giữa tăng trưởng cao hơn và thay đổi cơ cấu nhanh hơn. Quốc gia này không thể có hai thứ cùng một lúc. Đối mặt với sự  suy giảm hiện nay, Trung Quốc có thể tiếp tục con đường đã đi của mình, ít nhất là trong thời  điểm hiện tại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chọn ưu tiên tăng trưởng hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO