Chọn tiêu chuẩn quốc tế cho nông sản xuất khẩu
Các nước, khu vực khi nhập khẩu nông sản đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng bộ tiêu chuẩn của họ như GlobalGap, ASC, BAP…, trong khi nước ta đang sản xuất nông nghiệp theo VietGap. Lựa chọn tiêu chuẩn cho sản xuất nông nghiệp vì thế đang là việc gây tranh luận.
Từ chỗ xuất khẩu 70 - 80% lượng thanh long vào Trung Quốc, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã chuyển hướng sang các thị trường khó tính hơn. Đến nay, 60% lượng thanh long của Công ty này được xuất sang Mỹ, châu Âu và cho giá trị cao hơn nhiều; thị trường Trung Quốc chỉ còn lại vài phần trăm. Đặt chân vào thị trường Mỹ không đơn giản, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) Trần Ngọc Hiệp cho biết. Người Mỹ là đối tượng tiêu dùng khó tính nhất thế giới, họ rất sợ sâu bệnh và các chất hóa học. Mất gần 3 năm đàm phán, tháng 7.2008, Cục Kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ mới cấp phép nhập khẩu thanh long Việt Nam với điều kiện Việt Nam phải chuẩn bị hàng theo đúng tiêu chuẩn: đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ, được Mỹ chứng nhận không có sâu bệnh hại, được chiếu xạ khử trùng... Để chiếm lĩnh những thị trường khó tính, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu đã gây dựng hàng trăm hécta trồng thanh long hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và tiêu chuẩn thị trường Mỹ.
![]() Nguồn: vnanet.vn |
Các nước nhập khẩu - đặc biệt là những thị trường khó tính - yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của họ thì sản xuất nông nghiệp của nước ta đang tuân theo quy trình VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Tiêu chuẩn VietGap về cơ bản cũng dựa trên nền tảng sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bền vững về môi trường; an toàn lao động… như các nước đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, VietGap chưa được các nước trên thế giới công nhận, trong khi đó, sản phẩm nông sản của Việt Nam sản xuất ra chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, nhiều người trong cuộc cho rằng xây dựng tiêu chuẩn an toàn cho nông sản phải theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng, các tiêu chuẩn an toàn của thế giới như: ASC, GlobalGap, BAP… - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của các nước - ít nhất cũng tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam. Hơn nữa, chứng nhận VietGAP là quy trình sản xuất, còn đánh giá chất lượng xuất khẩu, hiện các nước vẫn lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm chứ không dựa vào chứng nhận VietGAP. Do đó, nếu muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì cứ lấy chính tiêu chuẩn của nước đó để làm là chuẩn nhất, nhanh nhất và không hề lo vướng. Các nhà sản xuất cá tra Việt Nam hiện nay cũng phải tuân thủ nhiều bộ tiêu chuẩn phụ thuộc thị trường xuất khẩu như: áp dụng GlobalGAP nếu muốn xuất khẩu sang EU, BAP (thực hành nuôi thủy sản tốt nhất) tại Mỹ và gần đây nhất là ASC (tiêu chuẩn đối với trang trại thủy sản) tại một số quốc gia EU.
Pgs - Ts Võ Phước Tấn, Hội Chất lượng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nâng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam thông qua việc áp dụng rộng rãi các hệ thống tiêu chuẩn bảo đảm quốc tế GlobalGAP và ISO 22000 là việc làm cấp thiết nhất hiện nay. ISO 22000 trong ngành nông nghiệp được xây dựng bởi 187 quốc gia, được áp dụng từ năm 2005. Còn GlobalGAP hiện nay được hơn 123.000 nông trại và nhà sản xuất trên thế giới áp dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng GlobalGAP và ISO chưa nhiều. Chỉ khoảng vài chục đơn vị ở miền Tây tham gia chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Mới đây nhất là chuyện đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản. Theo quy trình hiện nay, chúng ta phải đưa cho họ một sản phẩm mẫu. Sau khi họ chấp nhận chúng ta mới ký được hợp đồng. Ngay cả khi họ đã chấp nhận thì việc đưa một sản phẩm vào một quốc gia có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe như Nhật Bản và các nước châu Âu cũng không dễ dàng. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khuyến cáo nông dân trồng vải phải tổ chức sản xuất lại, phải gieo trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình trước mắt là VietGap, còn về lâu dài là những tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGap.
Muốn tham gia cuộc chơi chung, người dân và doanh nghiệp cần liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ khi có một phương pháp sản xuất thích hợp gắn với các tiêu chuẩn chất lượng ổn định thì các doanh nghiệp nông sản Việt Nam mới vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu một cách an toàn.
GAP (Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Tốt ở đây có nghĩa là an toàn, sạch và có chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất chung trên toàn cầu. Năm 1997, một tổ chức bán lẻ ở châu Âu có tên Euro-Retailer Produce Working Group lần đầu tiên đưa ra khái niệm này, vì vậy gọi là EurepGAP và sau đó trở thành GlobalGAP áp dụng chung cho toàn cầu. Ngoài tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam, các nước trên thế giới đều xây dựng tiêu chuẩn GAP cho riêng mình. Bên cạnh đó, còn có một số tiêu chuẩn do các tổ chức phi Chính phủ xây dựng và chứng nhận. |