Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND

Chọn người không chỉ có năng lực đóng góp

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 08:38 - Chia sẻ
Để nâng cao chất lượng hoạt động nhằm phát huy vai trò của người đại biểu dân cử - nhân tố then chốt quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND nhiệm kỳ tới, theo Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn, trước hết, cấp ủy, Thường trực HĐND các cấp cần làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND vừa bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định, vừa bảo đảm trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức. Đặc biệt, cần chú ý tiêu chuẩn: Không chỉ có năng lực đóng góp vào hoạt động của HĐND mà còn phải có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu

HĐND tỉnh Bắc Kạn Khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 50 đại biểu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường học tập, nghiên cứu để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu. Tại các kỳ họp, đại biểu đã tích cực tham gia ý kiến, thảo luận các nội dung trình tại kỳ họp; thẳng thắn đặt câu hỏi về những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu và cử tri quan tâm. Trong hoạt động giám sát, đại biểu có những ý kiến xác đáng với cơ quan, đơn vị được giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Trong TXCT, đại biểu đã nắm bắt kịp thời tình hình địa phương nơi ứng cử để trực tiếp giải thích, đối thoại với Nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời chuyển kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Một số đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, tạo niềm tin tưởng của cử tri vào HĐND. Qua đó, vai trò, vị thế của HĐND ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường.

Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số ít đại biểu chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, quy định để phục vụ cho việc thảo luận, quyết định tại kỳ họp HĐND; việc đóng góp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả cho các lĩnh vực chưa nhiều. Trong hoạt động giám sát, đặc biệt là trong chất vấn, nhiều đại biểu chưa quyết liệt truy đến cùng về nguyên nhân và trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung giám sát, chất vấn. Chưa có nhiều cuộc TXCT chuyên đề, một số đại biểu tham dự chưa đầy đủ các kỳ họp của HĐND nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình và những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng; việc giải thích, tuyên truyền về chủ trương, chính sách qua công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân còn hạn chế.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết do lĩnh vực hoạt động của HĐND rất rộng, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đó đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. Công tác quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn đại biểu HĐND chưa được quan tâm nhiều. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND sau khi được bầu còn hạn chế, không thường xuyên, nặng về lý luận, thiếu những kinh nghiệm thực tiễn cụ thể trong hoạt động của đại biểu…

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử ĐBQH Khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026

Ảnh: Thu Sa 

Có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND

Thực tế đã khẳng định, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Để HĐND thực sự đại diện cho Nhân dân, phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm và năng lực của từng đại biểu HĐND. Để phát huy vai trò người đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ tới, theo Thường trực HĐND tỉnh Bắc Kạn, trước hết, cấp ủy, Thường trực HĐND các cấp cần làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND vừa bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định, vừa bảo đảm trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND. Thực tế cho thấy, có những đại biểu có đạo đức, phẩm chất tốt nhưng lại thiếu năng lực đóng góp vào những hoạt động chung của HĐND. Mặt khác, cũng có người cả năng lực và phẩm chất đều tốt nhưng lại không có điều kiện hoạt động HĐND. Do đó, cần đặc biệt chú ý tiêu chuẩn của đại biểu: Không chỉ có năng lực đóng góp vào hoạt động của HĐND mà còn phải có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Cùng với đó, công tác tập huấn cho đại biểu HĐND phải được tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ và thực hiện thường xuyên hằng năm với nội dung chủ yếu là các kỹ năng chất vấn, TXCT, kỹ năng giám sát, khảo sát; kỹ năng thẩm tra của các Ban HĐND... Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, chế độ cho đại biểu, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách, quan tâm quy hoạch người tham gia đại biểu HĐND các cấp, có chính sách ưu tiên trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm đối với những đại biểu sau khi hoàn thành nhiệm vụ đại biểu, quy định chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND. Cần thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng đối với đại biểu HĐND để kịp thời động viên đại biểu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Một vấn đề cũng cần quan tâm nữa là đổi mới công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu, thường xuyên cung cấp đầy đủ tài liệu, nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các luật mới được ban hành, các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cho đại biểu HĐND. Để giúp đại biểu tiếp cận thông tin nhanh nhất, các tài liệu kỳ họp và văn bản điều hành của HĐND tỉnh chỉ đạo gửi cho đại biểu HĐND qua hệ thống thư điện tử, trang bị máy tính xách tay cho đại biểu HĐND tỉnh phục vụ việc gửi tài liệu và khai thác thông tin trên hệ thống mạng điện tử.

VÂN NGUYỄN