Chọn ngẫu nhiên để tránh việc chuẩn bị của đối tượng giám sát

PHƯƠNG MINH 15/06/2023 17:58

Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề, có thể mời các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu về nội dung tham gia để hỗ trợ đoàn giám sát, nhất là những nội dung chuyên sâu. Trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng chịu sự giám sát, tăng cường khảo sát để nắm bắt tình hình tại cơ sở, thu thập thêm thông tin liên quan. Việc đi khảo sát thực tế cần thể hiện trong kế hoạch, tuy nhiên, địa bàn cụ thể sẽ do đoàn giám sát chọn ngẫu nhiên - tránh việc chuẩn bị của đối tượng chịu sự giám sát.

Tôn trọng ý kiến cử tri, linh hoạt trong điều hành

Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, cần lựa chọn những vấn đề mang tính đại chúng, bao quát, còn bất cập về quy định và thực tiễn để giám sát chuyên đề. Thông thường, những vấn đề này xuất hiện rất rõ trong quá trình quản lý nhà nước về mọi mặt và hay được cử tri phản ánh trên các diễn đàn TXCT và tiếp công dân. Do đó, việc HĐND tiếp thu và đưa vào chương trình giám sát đã là hướng đi “trúng” đầu tiên, đặt nền móng cho giám sát chuyên đề đạt hiệu quả. Chuyên đề càng khó, càng nhiều vấn đề thì việc đưa vào giám sát chuyên đề sẽ càng hấp dẫn nhưng cũng đòi hỏi đoàn giám sát phải thật chất lượng mới giải quyết được. Cụ thể như các chuyên đề liên quan đến cách hiểu quy định và áp dụng pháp luật; công tác quản lý trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội như đất đai; đầu tư công và tài chính - ngân sách; vấn đề giải quyết đơn thư…

Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng nước và sự cần thiết đầu tư hồ chứa nước tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn - ẢNH HẢI LĂNG
Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng nước và sự cần thiết đầu tư hồ chứa nước tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. Ảnh: Hải Lăng

Để chọn nội dung chuyên đề giám sát, ngoài đại biểu dân cử kiến nghị, ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, một kênh không thể thiếu đó chính là ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần, chậm được giải quyết, có nhiều vướng mắc cần được chắt lọc đưa vào chương trình giám sát hàng năm của HĐND, Thường trực, các Ban. Đơn cử như công tác quản lý về đất đai, môi trường, tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ, việc thi công các dự án trên địa bàn... Khi cử tri phản ánh, ngoài đưa vào chương trình thì đối với các nội dung đột xuất, Thường trực HĐND thông qua phiên họp hàng tháng thảo luận, điều chỉnh kế hoạch để đưa vào thực hiện nếu thấy cấp bách, cần thiết.

Mời chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm

Bên cạnh tôn trọng ý kiến cử tri, linh hoạt trong điều hành thực thi kế hoạch giám sát hàng năm, việc lựa chọn thành viên đoàn giám sát không cần nhiều nhưng phải am hiểu lĩnh vực chuyên đề giám sát, có bản lĩnh và trách nhiệm.

Tuy không phải là một chủ thể thực hiện chức năng giám sát nhưng trên thực tế hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND tỉnh không chỉ phụ thuộc vào bản thân các chủ thể giám sát mà còn phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy tham mưu, giúp việc. Vì vậy, cần lựa chọn chuyên viên giúp việc cho HĐND tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, có năng lực nghiên cứu, phân tích và tổng hợp, khả năng tham mưu giúp đề xuất các nội dung, kiến nghị giám sát.

Thực tế hiện nay, số lượng đại biểu chuyên trách của các Ban HĐND còn ít, thành viên các Ban phần lớn kiêm nhiệm - là những cán bộ quản lý của một ngành, một đơn vị, có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động trong một lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, nội dung giám sát rộng, đòi hỏi trình độ và năng lực chuyên môn sâu. Khắc phục tình trạng này, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, trong mỗi đợt giám sát có thể mời các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu về nội dung giám sát để tham gia, hỗ trợ đoàn giám sát. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh. Các kết luận kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của các đơn vị cũng là nguồn thông tin đáng tin cậy phục vụ hoạt động giám sát của HĐND, giúp cho hoạt động giám sát của HĐND chất lượng, hiệu quả hơn.

Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, cần lựa chọn phương pháp giám sát phù hợp đối với từng nội dung giám sát, có nội dung chỉ cần giám sát thông qua báo cáo, có nội dung cần dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, kiểm tra thực tế tại cơ sở, để có sự so sánh, đối chiếu kết quả thực hiện với báo cáo của đơn vị được giám sát, so sánh với các quy định hiện hành của Nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh. Từ đó, rút ra được những đánh giá xác đáng và đề xuất những kiến nghị khả thi...

Để thu thập đầy đủ thông tin về lĩnh vực giám sát, cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu báo cáo và khảo sát thực tế. Do đó, trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng chịu sự giám sát, các Ban HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường khảo sát (thành viên đoàn giám sát có thể chia thành 2 tổ, bố trí 1 tổ khảo sát trước) để nắm bắt tình hình tại cơ sở, thu thập thêm thông tin liên quan đến lĩnh vực giám sát, không đơn thuần chỉ xem xét báo cáo do đối tượng chịu sự giám sát cung cấp. Việc đi khảo sát thực tế cần thể hiện trong kế hoạch, tuy nhiên, địa bàn cụ thể sẽ do đoàn giám sát chọn ngẫu nhiên - tránh việc chuẩn bị của đối tượng chịu sự giám sát.

Kết luận giám sát chuyên đề hạn chế việc đưa ra các kiến nghị chung chung kiểu như: tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… hay tăng cường các biện pháp quản lý... Thay vào đó, kiến nghị qua giám sát chuyên đề cần định lượng được, cụ thể và có địa chỉ. Những kiến nghị sau giám sát kịp thời, đúng quy định và phù hợp thực tiễn sẽ là tiền đề tạo ra được những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, sau giám sát, cần thường xuyên theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát bằng nhiều phương pháp; nếu nội dung nào chưa được thực hiện sẽ trao đổi để nắm được các khó khăn, vướng mắc (nếu có) hoặc tiếp tục giám sát đến khi có kết quả trên thực tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chọn ngẫu nhiên để tránh việc chuẩn bị của đối tượng giám sát
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO