Chọn lọc tinh hoa xây dựng văn hóa đương đại

Ngọc Phương 15/12/2018 08:19

Nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (trong kiến trúc, trang phục, nghề thủ công, món ăn truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội…) đang có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Do vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách.

Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức chiều 14.12, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

“Lai tạp”, “biến dạng”

Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp nhiều di sản văn hóa dân tộc thiểu số được bảo tồn, khôi phục và phát huy. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nhiều chính sách chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu nguồn lực thực hiện, nên hiệu quả hạn chế. Có thể thấy, sự đầu tư, hỗ trợ thời gian qua cho bảo tồn văn hóa dân gian còn nhỏ giọt, chưa đồng bộ, rộng khắp. Một số chính sách sau khi được phê duyệt lại thiếu kinh phí nên không thể triển khai thực hiện.

Phát huy tính chủ động của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian Ảnh: Ng. Phương
Phát huy tính chủ động của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản  văn hóa dân gian  
Ảnh: Ng. Phương

Trong khi đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Ví dụ, người Mông có truyền thống ở nhà đất, nhưng những năm gần đây nhiều ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc của người Kinh. Ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, có những vùng đã rất khó tìm thấy bóng dáng nhà rông và trong số nhà rông hiện chỉ 40% mang nét cổ truyền. Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số, chỉ có 29,3% số hộ có nhà ở theo kiến trúc truyền thống dân tộc... Trang phục cũng có biến đổi đáng kể, việc chối bỏ trang phục dân tộc đã trở thành hiện tượng phổ biến, trước hết là các dân tộc ở vùng thấp.

Đối với tiếng nói, chữ viết, theo điều tra năm 2015 của Ủy ban Dân tộc, có tới 95,8% người dân tộc thiểu số biết tiếng của dân tộc mình, song nhìn vào một số dân tộc rất ít người thì rất đáng lo ngại, chỉ 27,7% người Ơ Đu biết tiếng dân tộc mình, tỷ lệ này ở người Cơ Lao là 45,5%, Ngái 50,8%... Đây là các dân tộc đang có nguy cơ đồng hóa, mất bản sắc, khó có thể tự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống...

Bên cạnh đó, việc giao lưu, tiếp thu văn hóa bên ngoài đang có nhiều lúng túng, thậm chí buông lỏng để tiếp nhận tự nhiên một cách ồ ạt, dẫn đến văn hóa vùng dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đang bị lai tạp, biến dạng.

Tạo điều kiện để cộng đồng phát huy vai trò

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, văn hóa dân gian đã từng là nền tảng văn hóa tộc người trong quá khứ hàng nghìn năm. Đó là văn hóa của nền nông nghiệp cơ bắp, tự cung tự cấp, tự nhiên, với chủ thể là nông dân, không gian xã hội là cộng đồng công xã và đắm mình trong thế giới huyền thoại của các lực lượng siêu nhiên - thần thánh. Con người phải sống và ứng xử với các mối quan hệ vĩ mô giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với cộng đồng, giữa con  người với hệ thần linh và tín ngưỡng. Ngày nay, trong điều kiện xã hội mới, cấu trúc xã hội xưa về cơ bản đã bị “giải thể” và “giải thiêng”. Những giá trị, tinh hoa của nó chỉ còn là những “mảnh vỡ” của tổng thể xưa. Tuy nhiên theo quy luật nối tiếp của văn hóa, nó có thể được chọn lọc để có vị trí nào đó, phát huy giá trị của mình và đóng góp vào quá trình “tái cấu trúc, xây dựng nền văn hóa đương đại”.

TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng: Nguồn nhân lực là điều đầu tiên chính sách phải hướng đến. Hãy đào tạo người bảo vệ văn hóa dân tộc từ cơ sở, không ai bảo tồn văn hóa dân tộc tốt bằng chính đồng bào. Thứ hai là đầu tư cho văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cần đặt hàng các cơ quan, tổ chức, thậm chí cá nhân về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng và văn hóa dân gian Việt Nam nói chung.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn góp ý: Xây dựng chính sách bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các giải pháp bảo tồn. Hiện nay, các chính sách bảo tồn di sản văn hóa vừa ít về số lượng, vừa không phù hợp và thiếu tính khả thi. Vì vậy, cần xây dựng một số chính sách quan trọng như: Chính sách về nghệ nhân, chính sách khuyến khích cộng đồng sáng tạo di sản, hỗ trợ bảo tồn di sản, khuyến khích xã hội hóa bảo tồn di tích, truyền dạy một số di sản nghệ thuật trong cộng đồng và trường học. 

PGS.TS Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất, cần có một dự án quốc gia về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam trong cách mạng 4.0, với những nội dung như: Nâng cấp ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể; gắn kết công cuộc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số với phát triển bền vững, phát triển du lịch… Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tạo điều kiện để cộng đồng các dân tộc thiểu số phát huy vai trò chủ thể, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, bộ phận quan trọng trong công cuộc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số hiện nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chọn lọc tinh hoa xây dựng văn hóa đương đại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO