Chọn lịch sử để nghĩ tiếp và nghĩ mới

Thảo Nguyên 20/07/2022 06:22

Quá khứ, lịch sử xa xôi, trong nhiều trường hợp không thể nắm bắt được nữa. Điều này đã và đang tạo thành lực hấp dẫn mạnh với lớp người viết trẻ hôm nay. 

Cuộc chơi mới trên nền lịch sử

Vài năm trước, trong văn chương Việt Nam đương đại có tập truyện ngắn lịch sử khá ấn tượng Con chim phụng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hòa, gồm 9 truyện. Bên cạnh đó có thể kể ra các tác giả như Trần Tú Ngọc với Chiều Cổ Loa nổi gió, Giấc mơ xa xứ, Đêm An Kinh mây phủ; Nguyệt Chu với Người canh giữ phù dung; Hà Thủy Nguyên với Điệu nhạc trần gian Thiên địa phong trần; Phạm Thúy Quỳnh với Trăng trong cõi; Hoàng Yến với Săn mộ - Thông thiên La Thành... 

Một số tác phẩm văn học đề tài lịch sử của tác giả trẻ – Ảnh: nxbhanoi.com.vn
Một số tác phẩm văn học đề tài lịch sử của tác giả trẻ. Ảnh: nxbhanoi.com.vn

Gần đây, tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang tái hiện xã hội miền Nam tao loạn trước 1975 với những phận người nổi nênh trong chiến tranh và ưu tiên lý giải lịch sử từ những góc khuất. Riêng năm 2021 có thể gọi ra các tác phẩm: Vua Thành Thái của Nguyễn Hữu Nam; Nắng Thổ Tang của Đinh Phương, tập truyện ngắn Chuyến bay tháng ba của Lê Khải Việt...

Không ưu tiên viết lại lịch sử thời Lý, Trần, Lê như các nhà văn lớp trước, Nguyễn Hữu Nam dành nhiều tâm huyết hơn cho những tác phẩm viết về nhà Nguyễn, đặc biệt là ở giai đoạn thoái trào với Vua Thành Thái. Từ cái nhìn của con người hậu chiến, Lê Khải Việt cũng tìm về quá khứ gần từ phía những chấn thương tinh thần, những truy vấn về chiến tranh từ tàn tro quá khứ. Và vừa viết về một lịch sử gần, vừa tạo nên một trường “giả lịch sử”, với Nắng Thổ Tang, Đinh Phương trở thành một tên tuổi đáng chú ý của văn học trẻ, được đánh giá là trường hợp tiêu biểu của sự lạ hóa trong lối viết. 

PGS.TS. Thái Phan Vàng Anh, Trường Đại học Sư phạm Huế nhận định: Văn học trẻ hôm nay không mới về đề tài. Các nhà văn trẻ có thiên hướng chọn quá khứ, lịch sử để nghĩ tiếp và nghĩ mới. Nhiều tác giả đã tự làm một cuộc chơi mới bằng văn chương trên nền truyền thống. Và bằng những lối viết lạ, những con người trẻ tuổi ấy đã tạo nên chuyển động mới cho văn học Việt Nam đương đại. Có thể thấy rõ điều này qua những tác phẩm viết về lịch sử, chiến tranh của các tác giả trẻ trong thời gian gần đây.

Nhà thơ Hữu Việt có chung ý kiến: “Văn học trẻ về đề tài lịch sử là vấn đề rất thú vị. Tại sao những cây viết trẻ lại đi vào mảnh đất văn học này? Họ mong chờ gì ở đây? Nhà văn Hoàng Quốc Hải từng nói rằng nếu như viết lịch sử không liên quan đến hôm nay thì chỉ như 'triệu hồi bóng ma từ quá khứ'. Vậy nhà văn trẻ viết tiểu thuyết lịch sử muốn nói gì với hôm nay là điều mọi người quan tâm”. 

Một đề xuất khác về tiếp cận lịch sử

Lịch sử, nếu hiểu là những cái đã qua, thì sẽ có lịch sử xa và lịch sử gần. Nhà phê bình văn học - TS. Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, khi nói văn học viết về lịch sử, đa phần người ta sẽ hiểu đó là lịch sử xa với các triều đại, nhân vật, sự kiện, biến cố từ rất lâu, được ghi chép trong chính sử, được truyền tụng trong dân gian, lưu truyền trong dã sử, huyền sử với những góc mờ tỏ... Rõ ràng, ít người nghĩ đến quá khứ gần cũng chính là lịch sử. Quá khứ gần, lịch sử có thể là chiến tranh, những sự kiện mới diễn ra, với nhân chứng sống, hoặc tư liệu có thể kiểm chứng... 

Nếu viết về lịch sử xa xôi, theo TS. Nguyễn Thanh Tâm, trước sự dài rộng của năm tháng, sự khuất tỏ của quá khứ, một hay vài ba thế hệ kế tiếp nhau, chênh lệch không quá hai mươi năm, thường không nói lên nhiều điều về sự khác biệt. Thậm chí, giới trẻ hiện nay thuận lợi hơn thế hệ cha anh của mình khi có môi trường, công nghệ, tư liệu hỗ trợ đắc lực. Quá khứ dài, trăm năm chỉ là một mảnh rất khiêm tốn giữa dòng thời gian. Bởi thế, trước đề tài lịch sử xa, các thế hệ nhà văn hoàn toàn bình đẳng với nhau. 

Trong văn học đương đại, các tác giả trẻ tiếp tục khơi sâu vào hiện thực chiến tranh, tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của người lính. Cùng với đó, những góc khuất của cuộc chiến, những khoảng mở của lịch sử, khía cạnh đời tư, ám ảnh từ tâm linh, vô thức của cuộc sống liên quan đến chiến tranh, người lính cũng được chú ý. Về mặt bối cảnh, các nhà văn trẻ không qua chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ hay cái chết trên chiến trường, nhưng qua tư liệu lịch sử, qua hồi ức của người đi trước, các nhà văn trẻ có điều kiện tiếp cận và mở rộng trường liên tưởng, suy tưởng của mình. 

Có quan điểm cho rằng “tiểu thuyết lịch sử không phải là cuộc chơi của người trẻ”. TS. Nguyễn Thanh Tâm không đồng ý với quan điểm này. “Hãy nhìn vào sáng tác của thế hệ trẻ để thấy một đề xuất khác về lối tiếp cận lịch sử. Nếu cần đọc lịch sử, hãy tìm những bộ chính sử, cần gì phải tìm đến văn chương viết về lịch sử. Văn học viết về lịch sử khác lịch sử ở chính đặc thù - đặc trưng của phản ánh nghệ thuật. Đó không chỉ là lịch sử, mà là chân lý trong trái tim con người, là các khả năng của quá khứ qua tấm màn thời gian. Nhà văn trẻ phải học nhiều, từ sách vở, từ các thế hệ đi trước và sống sâu sắc hơn với cuộc đời. Nhưng nhà văn trẻ không có nghĩa là nông cạn, hời hợt, yếu đuối hay không được phép tham gia vào sân chơi chung là nghệ thuật”.

Có thể là tiểu thuyết hoặc truyện dài, truyện ngắn, có thể là chính sử hay dã sử, kinh dị hoặc chỉ là một gợi tứ từ lịch sử... những tác phẩm gần đây cho thấy một hướng đi đầy hứa hẹn của văn chương trẻ. Nhà phê bình văn học Hoài Nam nhận định: “Dù là quá khứ xa hay quá khứ gần, thì tự sự về quá khứ trong văn chương đương đại của những người viết trẻ hình như cũng báo hiệu vài điều gì đó đang chuyển động, mới mẻ và đầy hứa hẹn, ở chính cái cách họ đánh thức và tái cấu trúc quá khứ”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chọn lịch sử để nghĩ tiếp và nghĩ mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO