Theo thống kê sơ bộ, hàng năm có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư do ăn thực phẩm bẩn, thực phẩm bị ô nhiễm bởi các chất kích thích tăng trưởng, chất có hại từ thuốc trừ sâu, chất bảo quản hóa học… Do đó, gạo sạch, gạo an toàn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho bữa cơm gia đình. Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm Trương Thị Thúy Thu: Gạo sạch, gạo an toàn là những loại gạo được sản xuất với quy trình khép kín, từ khâu chọn giống đến lúc thu hoạch vào những ngày nắng ráo, đóng gói, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giữ hương thơm tự nhiên và chất dinh dưỡng như protein, sắt và các vitamin.
Đơn cử như mặt hàng gạo sạch ViEco của Công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup, toàn bộ quy trình trồng trọt, chăm sóc, bảo quản, chế biến và đóng gói trong chuỗi khép kín và được kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn ISO 22.000, HACCP và Global GAP, nhằm bảo đảm tối đa các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như hàm lượng dinh dưỡng. Hiện nay, sản phẩm gạo sạch VinEco được phân phối độc quyền tại hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện ích VinMart+ trên toàn quốc.
Một số chuyên gia cho rằng, để chọn lựa được gạo sạch, an toàn, người tiêu dùng nên quan tâm đến các chứng nhận lý tính có thể xác minh được chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm của gạo. Cụ thể, việc đóng trong bao bì kín, ghi đầy đủ thông tin sản phẩm, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, được cơ quan thẩm quyền chứng nhận, cấp phép. Các chứng nhận chất lượng quốc tế cũng là tiêu chí quan trọng cho thấy uy tín, cam kết chất lượng của nhà sản xuất, như: Chứng nhận trong nước ISO 22000, HACCP hoặc quốc tế như BRC (British Retailer Consortium)...
Bên cạnh đó, việc bảo quản gạo cũng rất quan trọng để có bữa cơm ngon, bảo đảm an toàn sức khỏe. Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Đa phần người tiêu dùng đều nghi ngại gạo kém chất lượng vì có mọt. Thực tế, trong quá trinh sinh trưởng tự nhiên, cây lúa luôn có trứng mọt. Trứng có kích thước nhỏ đến nỗi quá trình xay xát không thể loại bỏ được hết. Gặp điều kiện thuận lợi, trứng sẽ phát triển, nở thành mọt, ăn phần cám trên hạt gạo, làm xấu sản phẩm. Khi phát hiện có mọt, nên phơi gạo ngoài trời, nơi thoáng mát, để mọt tự bò ra ngoài sau đó có thể sử dụng bình thường. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa sạch thùng đựng gạo, phơi khô trước khi cho gạo vào. Các loại vi khuẩn, nấm mốc và trứng mối mọt luôn tiềm ẩn trong môi trường tự nhiên và có quá nhiều cách để chúng thâm nhập vào xung quanh thùng gạo.
Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bên cạnh hiện tượng gạo bị mọt thì gạo bị mốc cũng đặc biệt có hại, nếu ăn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, BS. Đặng Thế Căn cho biết: Nấm mốc ở lương thực, thực phẩm như lạc, ngô, gạo, mì rất nguy hiểm, vì sản sinh ra độc tố aflatoxin, gây ung thư gan. Bác sĩ Đặng Thế Căn cho biết, khi thực phẩm bị nấm mốc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao vẫn rất nguy hiểm, vì nấm aflatoxin là một độc tố khá bền vững nên khi chúng ta rửa sạch và cho vào nồi đun sôi thông thường không có tác dụng. Vì thế, bác sĩ Đặng Thế Căn khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn gạo bị mốc, bởi chỉ cần hấp thụ một tổng lượng 2,5mg aflatoxin trong 3 tháng có thể dẫn đến ung thư gan.