Chọn biểu tượng lá dừa hay hoa sen?
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ chọn phương án 7 với thiết kế hình ảnh lá dừa làm kiến trúc nhà ga hành khách - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Tuy nhiên, phương án này còn nhiều băn khoăn, lo ngại từ góc nhìn của giới chuyên môn.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện để ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của kiến trúc sư Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xung quanh vấn đề này.
- Là một kiến trúc sư đồng thời là chủ tịch HĐQT của một tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam từng là nhà thầu xây dựng nhiều dự án sân bay quốc tế, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chí lựa chọn phương án kiến trúc cho dự án sân bay Long Thành?
- Theo tôi một công trình kiến trúc quan trọng cấp quốc gia, cần hết sức thận trọng trong việc chọn lựa phương án thiết kế nhằm bảo đảm thỏa mãn cả 3 yếu tố: Công năng, thẩm mỹ và kinh tế.
Cả 3 phương án được chọn vào chung kết nói chung đều có nghiên cứu công phu, thể hiện bản vẽ kiến trúc điêu luyện, khá đẹp và độc đáo. Mỗi phương án đều có một hình khối kiến trúc khác nhau nhưng bố cục tổng thể về công năng đều giống nhau: Một khối nhà trung tâm và ba hành lang lối ra máy bay. Sự khác biệt chủ yếu giữa ba phương án này là hình dáng kiến trúc với những hình ảnh có tính biểu trưng của nó, đáng chú ý nhất là hai phương án có hình dạng lá dừa và hoa sen.

- Phương án 7 với thiết kế hình ảnh lá dừa vừa được Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Chính phủ chọn làm phương án chính thức. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi xin bỏ qua sự so sánh chi tiết thiết kế về công năng do có sự tương đồng bố cục tổng thể. Tôi chỉ xét yếu tố công năng về khía cạnh liên quan đến hình ảnh biểu trưng của công trình và đi sâu vào việc phân tích yếu tố kinh tế và thẩm mỹ của từng phương án.
Thiết kế theo hình tượng lá dừa nước như tác giả đã thể hiện trên bản vẽ kiến trúc có thể dễ dàng thấy rằng, hình khối kiến trúc không phù hợp với yêu cầu công năng của sân bay. Khu vực trung tâm cần có độ cao mái lớn để bao phủ một phạm vi rất rộng, thì chiều cao lại thấp. Nếu nâng cao thì lại mất đi vẻ đẹp của hình tượng lá dừa. Ba hành lang lối ra máy bay có chiều cao lớn là không hợp lý vì nơi đây có không gian hẹp. Khối lượng tường kính của ba hành lang này theo tính toán sơ bộ của tôi khoảng gấp sáu lần diện tích tường kính của tòa nhà trung tâm là một sự lãng phí rất lớn cho việc xây dựng và cả chi phí vận hành khi tiêu thụ một khối lượng rất lớn điện năng cho điều hòa không khí. Ngoài ra, mái của phương án 7 với hình dáng lá dừa có nhiều nếp uốn lượn, gấp khúc nên việc xây dựng trở nên phức tạp và rất tốn kém và mất nhiều thời gian thi công. Chi phí vận hành và bảo trì, bảo dưỡng khu vực mái sau này cũng tăng cao. Việc xử lý thoát nước mưa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do hàng ngàn mét máng xối nằm bên trong công trình.
Mặc dù tác giả đã cố gắng xử lý, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy hình tượng lá dừa bị khuất lấp khi nhìn từ mặt đất ở hướng đi vào sân bay và hướng nhìn từ đường băng thì nhìn rõ khối trung tâm thấp hơn các cánh hàng lang làm mất sự cân đối của hình khối kiến trúc. Hình tượng này cũng không phù hợp với yêu cầu công năng của nhà ga sân bay trong khi cả chi phí xây dựng lẫn vận hành rõ ràng đều rất cao.
- Mới đây, sau khi thảo luận, 25 chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã thống nhất kiến nghị chọn phương án 3 lấy biểu tượng hoa sen làm ý tưởng xuyên suốt cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, xin ông cho biết quan điểm?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam về việc chọn phương án 3, lấy biểu tượng hoa sen làm ý tưởng chủ đạo, xuyên suốt. Hình tượng hoa sen một cách tự nhiên theo phương án này cho thấy đã rất phù hợp với công năng của một nhà ga sân bay. Cánh giữa của bông sen với cách bố trí úp xuống với độ cao lớn nhất bao phủ một khoảng không gian rất rộng lớn của khu vực trung tâm nhà ga. Những cánh sen bên cạnh lan tỏa thật tự nhiên với chiều cao thấp dần tạo nên vẻ đẹp ở mọi góc nhìn và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu chiều cao không gian của từng khu vực. Đây là sự kết hợp rất tài tình, nhất quán trong một quần thể kiến trúc thật độc đáo từ hình dáng được nhìn từ trên cao xuống cho đến bên trong nhà ga và đặc biệt là công viên phía trước cũng được thiết kế hình tượng một lá sen khổng lồ tương ứng.
Mặt khác, với cách thiết kế này, toàn bộ nước mưa đổ hết ra bên ngoài mà không cần đến hệ thống máng xối, khắc phục được mọi nhược điểm của mô hình thiết kế hình lá dừa nước và đương nhiên rất hiệu quả về kinh tế. Ngoài sự phù hợp tự nhiên của kiểu dáng, chúng ta còn thấy rằng lá dừa nước chỉ có thể biểu trưng cho khu vực rừng ngập mặn Nam Bộ, trong khi đó, sự đòi hỏi đại diện ở đây là đẳng cấp quốc gia nên hình tượng hoa sen mới thật sự xứng tầm.
Hình ảnh hoa sen, tự bao giờ đã được khắc ghi trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam qua ca dao, tục ngữ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” hay “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”... Hoa sen không chỉ là biểu trưng cho sự thanh tao, tinh khiết trong cốt cách và tâm hồn cao thượng của con người Việt Nam mà còn là sự chọn lựa để nhận diện thương hiệu của Vietnam Airlines - hãng hàng không chính thống, lâu đời của Việt Nam. Phương án 3 với việc chọn hình tượng hoa sen để thiết kế Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã kết hợp một cách hài hòa trên mọi phương diện từ kỹ thuật, mỹ thuật đến kinh tế, văn hóa và cả chính trị - xã hội. Phương án này xứng đáng được chọn làm hình ảnh đại diện cho quốc gia để chào đón bạn bè khắp bốn biển năm châu, nơi hội ngộ Đông - Tây, nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa thế giới, là tâm điểm giao thoa từ mọi nền văn minh của nhân loại.
Rất khó tìm được một vẻ đẹp hoàn hảo, tuy nhiên trên cơ sở nghiên cứu kỹ điểm mạnh, điểm yếu của từng phương án, quyết định lựa chọn cuối cùng của nhà quản lý phải dựa trên những ý kiến thực sự khách quan, chính xác. Thiết nghĩ, các nhà quản lý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn để có lựa chọn phù hợp nhất. Đồng thời Chính phủ nên có các tổ tư vấn làm việc nghiêm túc, vô tư với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm tìm ra một phương án thỏa mãn cả ba yêu cầu công năng, thẩm mỹ và kinh tế.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Được thành lập từ năm 1987, Hòa Bình là nhà thầu Việt Nam có năng lực tốt nhất trong lĩnh vực thi công xây dựng nhà cao tầng và siêu cao tầng. Là một công ty xây dựng hàng đầu ở Việt Nam, Hòa Bình hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc gắn kết hoài bão và sứ mệnh với định hướng phát triển bền vững bằng những sản phẩm dịch vụ có ưu điểm vượt trội, tiết kiệm tài nguyên thân thiện với môi trường. 30 năm qua, Hòa Bình đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, là nhà thầu xây dựng duy nhất được bình chọn “Thương hiệu Quốc gia” 5 lần liên tiếp: (2008, 2010, 2012, 2014, 2016). |