Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến về dự án Luật Thư viện

- Thứ Sáu, 12/04/2019, 18:11 - Chia sẻ
Chiều 12.4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 33, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Thư viện.

Quy định cụ thể hơn chính sách ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật sau khi được chỉnh sửa, bổ sung đã hợp lý và chặt chẽ hơn. Về khái niệm thư viện, Thường trực Ủy ban cho rằng khái niệm thư viện có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để xác định tổ chức và hoạt động của thư viện, xác lập các quy định điều chỉnh, chính sách phát triển thư viện. Tuy nhiên, khái niệm thư viện tại Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ bản chất của thư viện là có vốn tài liệu được xử lý bằng nghiệp vụ thư viện và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thư viện. Trên sơ sở đó, Thường trực Ủy ban đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, tiếp thu ý kiến UBTVQH tại Phiên họp thứ 32, ban soạn thảo đã quy định rõ hơn về những hoạt động thư viện được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích. Đồng thời, bổ sung chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia hoạt động thư viện và việc thành lập, duy trì thư viện ngoài công lập có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận, bổ sung nội dung Nhà nước đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung bổ sung và đề nghị quy định cụ thể hơn chính sách ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện trung tâm có vai trò quan trọng; đầu tư phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia phát triển thư viện. Ngoài ra, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đặc thù của thư viện trung tâm có vai trò quan trọng, vai trò và trách nhiệm thư viện này ngay tại Luật để đảm bảo tính khả thi.

Về khái niệm thư viện số, Thường trực Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ cho rằng,  khoản 2 Điều 2 chưa bao quát đủ các yếu tố cấu thành thư viện số như: dữ liệu, công nghệ, con người, sản phẩm - dịch vụ thư viện, phương thức hoạt động thư viện số. Về bản quyền tài nguyên số, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hóa và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần có các quy định để thúc đẩy phát triển của thư viện số, như: vấn đề mua nguồn tin số và chia sẻ nguồn tin số giữa các thư viện công lập; sự phân công, phối hợp giữa các thư viện, cơ quan thông tin khoa học và công nghệ; vai trò và trách nhiệm của các thư viện trung tâm có vai trò quan trọng trong hình thành nguồn tài nguyên số quốc gia; nghiên cứu - đào tạo - đầu tư cho nguồn nhân lực thư viện số, đầu tư tài chính và phát triển các dự án thư viện số dùng chung để tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Rà soát kỹ các hành vi bị nghiêm cấm

Các ý kiến tập trung thảo luận về các hành vi bị nghiêm cấm quy định điều 7 của dự thảo Luật. Một trong các hành vi bị nghiêm cấm: tàng trữ, sử dụng, phổ biến trái phép thông tin, tài liệu có nội dung: chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xuyên tạc lịch sử, thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, đề nghị cần rà soát lại hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật, bởi chúng ta tiếp quản thư liệu chính quyền Sài Gòn, có những tài liệu sai về tư tưởng chính trị, tuy vậy chúng ta phải quản lý và có một bộ phận nào nghiên cứu chứ không phải là để cung cấp, không thể hủy tài liệu đi được. Do vậy, đối với thư viện quan trọng cấp quốc gia, có thể phải lưu trữ những tài liệu này và đưa vào quản lý, hạn chế đối tượng nghiên cứu, chỉ những người nào có thẩm quyền mới được nghiên cứu. Cần phải quy định rõ cấp nào có thẩm quyền quyết định về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói. 

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, dự thảo Luật quy định cấm “tàng trữ” nhưng thư việc có chức năng lưu trữ để phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu riêng của nhà nước. Do đó, cần phải tính toán cân nhắc việc quy định “tàng trữ” và “lưu trữ” tài liệu phải đặt vào hoàn cảnh nào. Bởi chúng ta tiếp nhận tài liệu của chế độ cũ và lưu trữ, chức năng của thư viện là lưu trữ để phục vụ việc nghiên cứu, nếu không quy định kỹ thì những tài liệu lại hủy hết thì không được. Nếu không quy định rõ thì một số thư viện lại hủy tài liệu, sẽ rất khó cho việc quản lý nhà nước.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đề nghị cần bổ sung quy định nghiêm cấm “làm hư hỏng” tài liệu. Trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc hoạt động thư viện, theo đó, đảm bảo bình đẳng cho mọi người tiếp cận và sử dụng dịch vụ thư viện. Cho rằng, hành vi cấm nên quy định đối với người sử dụng tài liệu và cả với cán bộ thư viện, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, cần quy định hành vi nghiêm cấm cán bộ quản thư gây phiền hà, sách nhiễu, phân biệt đối xử với người tàn tật, trẻ em, người nước ngoài… Quy định cụ hành vi này thì mới có cơ sở để xử lý vi phạm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.

Hà An