Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 15:05 - Chia sẻ
Sáng 24.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo Những vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý những nội dung về: chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; quy hoạch bảo vệ môi trường; đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; quản lý chất thải; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường; kiểm toán môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng
Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, dự thảo Luật đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể tại các điều, khoản mà các ĐBQH quan tâm như giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm; quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật...

Về kiểm toán môi trường, Báo cáo tiếp thu, giải trình nêu rõ, nội dung kiểm toán môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường được quy định để khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. Bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thực hiện nội dung kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan như tại khoản 4 Điều 75 Dự thảo Luật.

 ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang)
Ảnh: Quang Khánh

Cơ bản đồng tình với nội dung tiếp thu, chỉnh lý về kiểm toán môi trường, ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) đề nghị cân nhắc nội dung quy định tại khoản 3, Điều 52, dự thảo Luật về kiểm toán môi trường, trong đó quy định về việc hướng dẫn kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý lẽ là bởi, hiện chúng ta đã có Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kiểm toán nhà nước (mới được sửa đổi, bổ sung). Trong đó có quy định về chuẩn mực kiểm toán, tiêu chuẩn kiểm toán viên, hay quy trình tiến hành một cuộc kiểm toán. Để tránh trùng chéo, ĐB Đặng Thế Vinh đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào những việc hợp lý hơn, như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình hoặc đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật về bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó thực hiện kiểm toán sẽ phù hợp hơn.

Về kiểm toán môi trường, đồng tình với quy định nội dung này trong dự thảo Luật, ĐB Đặng Thế Vinh cho rằng, "đây là việc làm hết sức cần thiết", trong đó có việc bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan. Cụ thể, ĐB Đặng Thế Vinh đồng tình với khoản 2, Điều 52 về nội dung kiểm toán môi trường, vì rằng, để kiểm toán tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường thì phải quy định vấn đề này. Hầu hết các cuộc kiểm toán, bất kể là kiểm toán về kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán hoạt động thì đều phải xem xét đến việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật rộng hơn việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm khác và đặt trong Chương V, thì ĐB Đặng Thế Vinh lại thấy "chưa bao quát và chưa thể hiện được tính bao quát về bảo vệ môi trường". Mặt khác, nếu quan niệm là bảo vệ môi trường chỉ gói gọn trong việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm thì cũng chưa đầy đủ. Với 8 nguyên tắc bảo vệ môi trường tại Điều 4, dự thảo Luật và cùng với ưu tiên hợp lý việc dự báo phòng ngừa ô nhiễm, sự cố suy thoái môi trường và việc nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường cũng như các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm, ĐB Đặng Thế Vinh cho rằng, những quy định của Luật sẽ được thực hiện trong cuộc sống. Do vậy, để hoạt động kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán trong lĩnh vực môi trường của Kiểm toán Nhà nước thật sự phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường, cần chuyển Điều 52 về kiểm toán môi trường sau điều về thanh tra, kiểm tra về hoạt động môi trường", ĐB Đặng Thế Vinh đề nghị.

Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH K`Nhiễu (Lâm Đồng) nêu vấn đề: Kiểm toán môi trường là một khái niệm mới quy định tại Điều 52, dự thảo Luật, do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, giải thích điều này vào Điều 3 để rõ ràng hơn và cụ thể. Với thuật ngữ "chất thải nhựa" được đề cập tại Điều 51, cụ thể là "giảm thiểu tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương", ĐB K'Nhiễu cho rằng, đây là vấn đề lớn không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng quan tâm. Tuy nhiên, không thấy Ban soạn thảo quan tâm nghiên cứu. "Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung sau khoản 5 Điều 3", ĐB K'Nhiễu nói.

Liên quan đến nội dung quản lý nhà nước về môi trường (Điều 145), theo ĐB K'Nhiễu, việc áp dụng thu thuế môi trường là nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm môi trường giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm. Thuế môi trường làm tăng chi phí đối với những sản phẩm, chủ thể gây ra ô nhiễm, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm phương thức khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào điều này nội dung theo hướng quy định thu thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc: người gây ô nhiễm thì phải trả tiền. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh.

Hồ Long