Chợ phiên - nét văn hóa vùng cao Bắc Hà

Mai Sơn 21/02/2014 16:42

Đến với vùng cao Bắc Hà, chúng ta không thể bỏ qua các phiên chợ của đồng bào dân tộc. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chợ phiên đang trở thành một điểm đến cho du lịch vùng cao.

Câu chuyện chợ phiên vùng cao còn lưu giữ hình ảnh 2 vợ chồng người H'Mông xuống chợ  thật sinh động. Từ sáng, thì chồng dắt ngựa, vợ cưỡi trên lưng thong thả xuống chợ phiên. Chiều về, thì chồng say mềm nằm vắt vẻo ngang trên lưng ngựa, cả người, cả ngựa lại theo vợ trở về khi tắt nắng. Đến bây giờ thì hình ảnh ấy dần phôi phai, nhiều cặp vợ chồng người H’Mông đã sắm được xe máy. Sáng chồng đèo vợ "tằng tằng" xuống chợ, chiều lại "tằng tằng" đưa vợ về. Đôi khi cái phương tiện hiện đại lại làm các quán thắng cố bớt xôm vì người H,Mông sợ uống rượu không đi được xe máy.

Ảnh: SơnKM
Ảnh: SơnKM
Chợ phiên ở Bắc Hà có thể đi cả tuần không hết. Nếu như thứ  5 có chợ phiên ở Simacai , đến sáng thứ 7 lại có chợ phiên ở Cán Cấu, sáng chủ nhật thì chợ phiên ở thị xã Bắc Hà. Ngoài ra còn rất nhiều chợ phiên nhỏ họp tại các vùng khắp khu vưc Tây Bắc như chợ phiên ở Mường Khương , chợ phiên ở Pha Long… Chỉ riêng đi đủ các chợ phiên trong khu vực này cũng phải hết cả tuần, chợ phiên cứ tuần tự diễn ra. Người dân chưa bán được hàng ở khu vực này có thể đem hàng đến khu vực khác để bán tiếp. Cứ thế cuộc sống xưa của họ rong ruổi trên lưng ngựa từ phiên chợ này đến phiên chợ khác.

Chợ phiên bắt đầu từ nhu cầu trao đổi hàng hóa, nông sản từ lâu đời của dân cư trong vùng. Họ sản xuất ra nông sản, thổ cẩm và mang đến chợ để trao đổi lấy những thứ mình cần. Ngày xưa, dân cư chỉ dùng hàng hóa trao đổi lấy hàng hóa, bây giờ thì việc trao đổi diễn ra chủ yếu bằng tiền mặt, tuy nhiên hàng hóa vẫn được chấp nhận ở một số nơi như chợ phiên Cốc Ly vì ở đây chủ yếu là các món hàng nông, lâm sản do người dân tự làm được.

Đến Bắc Hà vào sáng thứ 7 là ngày chợ phiên Cán Cấu họp. Phiên chợ họp trên một thung lũng  giữa Bắc Hà và Simacai. Từ tờ mờ sáng, trên các con đường dẫn đến chợ đã ríu rít tiếng cười nói của những cô gái người H’Mông tung tăng dắt tay nhau đến chợ. Chợ còn là điểm hẹn của nhiều thế hệ, đồng bào quanh vùng như: H’Mông, Dao, Tày, Hoa..là nơi gặp gỡ, trao đổi, tâm tình.

Đứng trong thung lũng họp chợ phiên Cán Cấu, từ xa đã nghe  tiếng mõ trâu bò vang lộc cộc khắp núi rừng. Trâu theo người đến chợ và còn nhiều loại gia súc khác nữa cũng tụ họp về đây. Cán Cấu có thể gọi là phiên chợ gia súc lớn nhất vùng. Thực ra ở các phiên chợ khác như chợ phiên Simacai, chợ phiên Bắc Hà đều có khu vực bán gia súc nhưng người dân và tiểu thương đều thích đưa gia súc về đây bán hơn vì khu vực này rộng rãi, không bị gò bó trong phố xá như ở Bắc Hà, Simacai.. Nguyên một quả đồi mạn bắc của chợ dành cho bán gia súc các loại nhưng chủ yếu vẫn là ngựa, trâu, bò, dê. Ngựa ở Bắc Hà tuy nhỏ con nhưng bền bỉ, thồ hàng không biết mệt mỏi. Ngày trước cũng có thương lái mang ngựa ở nơi khác đến đây bán nhưng giống ngựa khác không chịu quen thời tiết khu vực này nên chỉ độ 1 năm là lăn ra bệnh chết. Vì thế người dân chỉ ưu thích mua giống ngựa ở đây.

Chợ phiên Cán Cấu thường chia ra 3 khu vực, khu vực bán gia súc ở trên đồi, khu vực bán hàng thổ cẩm và các mặt hàng khác ở chính giữa chợ. Ở đây, người mua có thể tìm thấy mọi thứ, từ cái kim chỉ đến cái lười cày, từ váy vóc, quần áo đến điện thoại, radio..Còn khu vực phía sau chợ dành cho các quán đồ ăn, chủ yếu là phở và thắng cố.

Lại nói về thắng cố, nhiều người có thể chưa biết món ăn truyền thống này của đồng bào vùng cao.  Khắp mạn Tây  Bắc nơi đâu cũng có, đến mấy quán nhậu ở Sapa cũng có thắng cố, nhưng đấy là món thắng cố nấu cho khách du lịch, dễ ăn và không có mùi vị đặc trưng. Còn thắng cố ở chợ phiên Cán Cấu đậm hương vị truyền thống, được làm theo cách cổ xưa. Ai chưa quen thì  khó khăn để thưởng thức được hết vị đậm đà, cay cay, đăng đắng...của món "lẩu ngựa" cổ truyền. Thắng cố với chút rượu ngô Bắc Hà, loại rượu  nổi tiếng ở đây và  trong cái giá lạnh vùng cao dễ làm cho du khách ngấm men say.

Chợ phiên Cán Cấu chỉ họp đúng  phiên  vào sáng thứ 7. Đến chiều, người dân và tiểu thương bắt đầu rục rịch thu dọn đồ, chuẩn bị cho phiên chợ tiếp theo ở Bắc Hà vào sáng chủ nhật. Cứ thế, chợ phiên nối tiếp chợ phiên, chỉ riêng đi chợ phiên quanh khu vực Bắc Hà có thể đi quanh năm suốt tháng. Chợ phiên vùng cao trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chợ phiên - nét văn hóa vùng cao Bắc Hà
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO