Chớ "nôn nóng" tiêu tiền!

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:12 - Chia sẻ
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa thể xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (phải trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới) bởi vì Bộ Tài chính chưa xác định được nguồn vốn dự kiến của giai đoạn 2021 - 2025.

Không rõ lý do thực sự của Bộ Tài chính nhưng có thể đoán rằng dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn khiến cho mọi tính toán về thu, chi và cân đối ngân sách trở nên khó khăn. Kéo theo đó, việc dự kiến nguồn vốn cho 5 năm sắp tới thực sự là bài toán quá khó.

Bức tranh ngân sách nửa đầu năm nay chìm trong màu sắc u ám. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, thu ngân sách những tháng đầu năm có xu hướng giảm. Tính đến hết tháng 6, tổng thu ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm đến 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Không nằm ngoài dự đoán, thu ngân sách sụt giảm trên cả “ba mặt trận”: thu nội địa giảm 7,1%; thu dầu thô giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 22,3% so cùng kỳ năm 2019. Với mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, thì khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn. Điều đó có nghĩa cân đối thu, chi ngân sách chắc chắn bị ảnh hưởng.

Trong lúc thu ngân sách khó khăn như vậy và bội chi ngân sách của nước ta kéo dài nhiều năm, nhiều thông tin chi tiêu ngân sách khiến dư luận bất bình. Mới đây nhất là việc huyện miền núi còn khó khăn như Vĩnh Thạnh (Bình Định) quyết định xây dựng tượng đài 48 tỷ đồng. Xây tượng đài để tri ân người có công với đất nước là việc đáng làm, nhưng trước hết phải phù hợp với khả năng của địa phương và lãnh đạo địa phương cũng nên suy nghĩ về những cách “ghi ơn” khác - ví dụ chi tiền cho những công trình có lợi ích thiết thực cho người dân quê mình.

Xa hơn chút nữa, tại một số địa phương khác cũng xảy ra những chuyện cười ra nước mắt liên quan đến chi tiêu của chính quyền. UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) đang nợ cán bộ và người dân đến… 50 tỷ đồng nhưng vẫn có công văn đề nghị xây tượng đài để “uống nước nhớ nguồn”. Cũng tại Thanh Hóa, UBND huyện Thiệu Hóa dọa kiện UBND xã Thiệu Công thuộc huyện này ra tòa vì không trả khoản nợ 3,1 tỷ đồng vay từ ngân sách huyện. Số tiền này dùng để trả nợ người dân do những sai phạm về quản lý đất đai từ 20 năm trước.

Những câu chuyện kể trên không hiếm trong nghịch lý đầu tư công. Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 33,1% dự toán, Chính phủ đang hối thúc các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân “bằng hết” 700 nghìn tỷ đồng nguồn vốn của năm nay để thúc đẩy hồi phục kinh tế, nỗi lo lắng về hiệu quả chi tiêu ngân sách lại trỗi dậy.

Giống nhiều nước, Việt Nam chọn tăng chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là ném tiền qua cửa sổ. Thành tích được ghi nhận không chỉ là giải ngân được bao nhiêu phần trăm, mà còn cần tính đến hiệu quả của dự án. Nếu nôn nóng tiêu tiền mà không cân nhắc đến các trình tự giám sát đầy đủ sẽ gây lãng phí ngân sách, tạo điều kiện cho tham nhũng, gây áp lực lạm phát lớn và về dài hạn sẽ khiến nền kinh tế mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.

Bởi thế, trước khi phân bổ, chi tiêu ngân sách hãy nhớ tiền này là thuế của người dân, là tiền đi vay; đầu tư không hiệu quả, không những kéo chậm đà phục hồi của đất nước sau đại dịch mà tương lai con cháu chúng ta biết lấy gì trả nợ!

Hà Lan