Chỗ ngồi không chỉ là hình thức

Tin và ảnh: Hà An 02/11/2015 17:19

(ĐBNDO) - Ngày 2.11, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo về Đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Mô hình phòng xét xử.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Bùi Ngọc Hòa nêu rõ: trong xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc đổi mới trang phục của Thẩm phán và mô hình phòng xét xử là việc làm cấp thiết, nhằm đáp ứng tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, vị thế của Thẩm phán theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quy định mới của Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Chỗ ngồi không chỉ là hình thức ảnh 1
Theo quy định mới, tòa án nhân dân là một thiết chế quan trọng trong Bộ máy Nhà nước, thực hiện quyền lực Nhà nước mà cụ thể là quyền tư pháp, là hiện thân của công lý, là chỗ dựa của nhân dân về công lý. Do đó, hình ảnh của những người đại diện cho Tòa án thực hiện nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp cần được xây dựng một cách gần gũi, thân thiện nhưng bảo đảm tính trang nghiêm, lịch sự khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm sự hội nhập quốc tế. Đặc biệt là phải thể hiện tính uy nghiêm, trang trọng và mang “tính quyền lực Nhà nước” khi nhân danh Nhà nước tuyên các bản án, quyết định. Một trong những biểu hiện của hình ảnh đó là trang phục của thành viên Hội đồng xét xử và mô hình phòng xét xử. Thực tế cho thấy, chưa có quy định về thiết kế đặc trưng trên trang phục xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nên chưa thể hiện được tính uy nghiêm của tòa án là cơ quan thực hành quyền tư pháp, bảo vệ công lý.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đa số các ý kiến đóng góp đều đồng tình với việc bổ sung trang phục xét xử của Thẩm phán là áo thụng đen như dự thảo Đề án đã xây dựng.
Cụ thể, khi xét xử, các Thẩm phán sử dụng trang phục làm việc thông thường, đồng thời có thêm áo thụng dài tay màu đen khoác bên ngoài. Đây gần như mẫu trang phục xét xử tương đối phổ biến của các nước trên thế giới đang sử dụng. Các ý kiến cho rằng, khi khoác chiếc áo này, người Thẩm phán đang gánh trách nhiệm nhà nước thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Cho ý kiến về mô hình phòng xét xử, đa số ý kiến cho rằng cần đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa theo hướng bố trí lại vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên (bên buộc tội) và Luật sư (bên gỡ tội). Theo đó, đồng tình mô hình tổ chức phiên tòa như mô hình hiện nay của Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng (phương án 1). Theo đó, Hội đồng xét xử ngồi ở vị trí cao nhất, riêng biệt, dưới Quốc huy và chính giữa hội trường. Ngồi phía dưới và ngay trước Hội đồng xét xử là bàn Thư ký phiên tòa. Cũng phía dưới và bên tay phải Hội đồng xét xử là bàn của đại diện Viện kiểm sát, bên tay trái đối diện Viện kiểm sát là bàn của Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những người tham gia tố tụng khác ngồi phía dưới đối diện với Thư ký phiên tòa. Các ý kiến cho rằng, cách bố trí phòng xét xử tuy chỉ là hình thức nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tính dân chủ, sự bình đẳng giữa các bên, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời, cũng thể hiện được vị trí trung tâm của Hội đồng xét xử, nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Việc kiểm sát viên ngồi ngang hàng Luật sư thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, theo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần xác định rõ cách thức bố trí phiên tòa cho từng loại việc, trong đó phân biệt rõ phiên tòa hình sự và các phiên tòa về dân sự, hành chính cho phù hợp tính chất các loại án, vụ việc đó.
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chỗ ngồi không chỉ là hình thức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO