Chợ Hà Nội xưa và nay

Hoàng Việt Hằng 03/10/2010 00:00

Đây là cuốn sách do PGs, Ts Đỗ Thị Hảo chủ biên, NXB Phụ nữ ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sách dày hơn 400 trang, chia làm 2 phần: chợ trung tâm Hà Nội cũ và các chợ Hà Nội mở rộng.

Các tác giả tham gia viết cuốn sách này là những người từng sinh sống ở Hà Nội và am hiểu về chợ Hà Nội. Tác giả Đào Hùng không chỉ viết về chợ Hà Nội cuối thế kỷ XIX, mà ông còn giữ được những hình ảnh chợ Hà Nội xưa, những chợ chuyên đề như chợ Bưởi ở xã Yên Thái, tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, nơi có làng cổ bến sông với những vườn bưởi ngàn đời; nơi có nghề làm giấy: người ta buôn bán vạn ngàn/thân em làm giấy cơ hàn vẫn tươi, hoặc bày bán sản phẩm tiến sỹ giấy vinh quy về làng. Chợ còn bán vải lĩnh hoa chanh... Người gốc Hà Nội đọc chợ Bưởi của Đào Hùng để ngoảnh lại: Quần thâm lĩnh Bưởi cạp điều/Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang.

Chợ Đại Yên chuyên bán thuốc nam của Hồ Sỹ Tá lại ngan ngát hương nhu, hương lâu, lá lồm, những cây thuốc chữa bệnh của ông bà, như  cây vọng cách, sói tía, hoàng bài, đến cỏ lào, củ bình vôi, keo giậu, chóc gai làm thuốc. Một góc chợ cũ ghi dấu ấn thời Lý, một góc chợ nghèo hồn cốt của người dân chỉ chọn làm nghề “cứu nhân độ thế”. Hàng thế kỷ đi qua, đất làng Đại Yên lên giá, nhưng người dân vẫn giữ nghề cứu độ người bệnh. Người làng Đại Yên vẫn bán thuốc ở chợ Hôm Đức Viên, chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da, chợ Cầu Giấy.

Chợ đình Hoa Lộc của Phạm Hòa gợi lại hồ Thái Cực bị lấp mở dài lên phố, chợ lấy tên nghề nhuộm đào thành phố Hàng Đào. Với tích xưa tổng cũ, đất kinh kỳ Thăng Long còn in dấu kẻ chợ, mỗi tên phố là một tên chợ. Ổi Quảng Bá cá Hồ Tây/Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người. Đọc chợ đình Hoa Lộc còn biết thêm nhiều tư liệu quý về địa danh xưa của phố Hà Nội. Chợ Mơ của Trần Văn Mỹ khơi gợi về rượu, đậu phụ kẻ Mơ, về một ô Cầu Dền cách phường Hồng Mai không xa, đến thời Tự Đức (1848) đổi tên thành phường Bạch Mai...

Rất nhiều tư liệu quý trong các chợ Hà Nội cũ. Chợ 19/12 (chợ Âm Phủ) của Vũ Kiêm Ninh nay đã bị giải tỏa nhưng vẫn còn trong trí nhớ bao người Hà Nội. Chợ hoa Hàng Lược của Văn Sáu ghi lại một Cống chéo Hàng Lược ngày Tết, cứ 25 Tết đổ về đông như hội và đẹp như hoa. Đọc chợ Hôm Đức Viên đi về Chợ Đuổi thấy tác giả Giang Quân không chỉ xử lý tư liệu kỹ mà còn thấy ông yêu chợ Hà Nội biết bao. Xa hơn là chợ Bỏi ở Đông Anh, hồn quê còn đó bên bờ hữu ngạn sông Hồng, lại ngược chợ Chuông, Thanh Oai để nhớ: Ai làm ra nón quai thao/Để cho anh thấy cô nào cũng xinh... Mồng mười đi chợ Chuông chơi/Xem đánh cờ người xem thổi cơm thi...

Chọn 19 chợ cũ để nói về chợ xưa Hà Nội và mở ra ở phần hai, chợ Hà Nội mở rộng còn có chợ làng nghề gốm sứ Bát Tràng, chợ Đăm chuyên bán hoa, chợ Ninh Hiệp bán vải, chợ Sêu ở bên bờ sông Đáy (sông Hát Giang) một thời có người Triều Châu Trung Quốc về bán thuốc chữa bệnh. Lại đi chợ Tó Đông Anh (tên chữ là Uy nỗ, nghĩa là nỏ mạnh), với truyền thuyết xa xưa, là chợ vua An Dương Vương mở để người dân trao đổi hàng hóa. Chợ họp 6 phiên một tháng. Hà Nội còn có một chợ Tó nữa ở xã Tả Thanh Oai, chợ Tó này trên trời dưới tôm, cá...

Còn rất nhiều chợ khác như chợ Ráy, chợ Sủi, chợ Mui, chợ Phùng, chợ Nhót... Mỗi chợ một nét riêng của làng quê đồng bằng Bắc bộ. Có thể nói, cuốn sách Chợ Hà Nội xưa và nay không chỉ giúp bạn đọc khám phá về chợ Hà Nội mà còn cung cấp nhiều tư liệu nghiên cứu quý về Thăng Long - Hà Nội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chợ Hà Nội xưa và nay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO