Chợ “giật lùi” trên 12 tầng dốc

- Thứ Tư, 22/09/2021, 11:13 - Chia sẻ
Ngay từ sáng sớm khi sương mù vẫn đặc quánh chẳng thấy mặt người đã nghe tiếng lợn, tiếng gà, tiếng xe máy gồng mình rú ga và tiếng chân ngựa gõ móng vào đá... Gần 9 giờ sáng phiên chợ mới tỏ mặt người. Họ chào nhau bằng ngôn ngữ bản địa pha lẫn tiếng Quan Hỏa. Đó là những hình ảnh, âm thanh đầu tiên của phiên chợ người Dao đỏ trên 12 tầng núi thuộc xã biên giới Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu.
Đến chợ vừa bán hàng vừa gặp gỡ trò chuyện
Đến chợ vừa bán hàng vừa gặp gỡ trò chuyện

Sì Lở Lầu phiên âm tiếng Quan Hỏa nghĩa là số 12, ứng với 12 tầng dốc. Có người nói đứng từ dưới trông lên sẽ thấy 12 tầng núi xếp lên nhau như 12 tầng lầu, đó cũng là một cách giải thích. Không biết cách nói nào đúng, chỉ biết rằng muốn đến được phiên chợ có một không hai này, du khách phải vượt qua 12 tầng dốc với nhiều khúc cua tay áo hiểm trở. Một khi đã leo lên 12 tầng dốc mà không đi chợ thì chưa phải đến Sì Lở Lầu.

Không ai biết chợ có từ khi nào, ngay đến cái tên cũng khá độc đáo. Có người gọi là chợ Gia Khâu, vì chợ họp ngay trung tâm bản Gia Khâu. Lại có người gọi là “chợ Sừng” vì chợ chỉ họp vào ngày của con có sừng trong tháng là ngày con trâu và con dê (tức ngày Sửu và ngày Mùi). Theo cách tính lịch âm hai ngày này cách nhau 6 ngày, ví như phiên này mà rơi vào thứ Bảy ngày Mùi, thì phiên sau sẽ là thứ Sáu ngày Sửu, tuần sau nữa là thứ Năm… cứ lùi dần như thế, nên chợ còn có tên chợ “giật lùi”.

	Hàng tạp hóa vẫn nơi đông nhất
Hàng tạp hóa vẫn nơi đông nhất

Sì Lở Lầu 100% dân tộc Dao đỏ. Đến chợ, chúng tôi bị choáng ngợp với gam màu đỏ - đen - trắng trên trang phục, trang sức của phụ nữ Dao. Ở đây, ngoài những mặt hàng lâm thổ sản như quế, hồi, thảo quả, mắc khén, măng rừng, mật ong… thì đồ trang sức xem ra rất được chuộng. Đó là vòng tay, vòng cổ, thắt lưng, khuyên tai, xà tích… bằng bạc được chế tác thủ công. Một bộ trang phục truyền thống có giá khoảng 40 triệu đồng. Như vậy không phải người con gái nào lớn lên cũng có ngay một bộ trang phục như thế. Để có bộ trang phục truyền thống đầy đủ của dân tộc Dao đỏ, người phụ nữ phải sắm dần dần và cũng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.

Dù ở phiên chợ có đủ mặt hàng từ xuôi chuyển lên, từ bên kia biên giới sang, nhưng không thể lấn át được sản phẩm bản địa. Từ rau củ quả, lâm thổ sản đến các món ăn đặc trưng; từ vải vóc, quần áo đến thổ cẩm và đồ trang sức... Để thưởng thức ẩm thực của người Dao đỏ, đến chợ không thể bỏ qua món đậu phụ nhự của bà con tự làm. Đậu phụ nhự là món không thể thiếu trong mỗi gia đình người Dao, rất tốt trong mùa lạnh. Phải là những phụ nữ Dao đảm đang mới biết chế biến món ăn này.

Một thứ quà không thể bỏ qua khi đến chợ là rượu thóc, thứ rượu riêng có của người Dao Sì Lở Lầu. Chẳng biết có mua hay không, nhưng hễ đàn ông đến chợ là sà ngay vào hàng rượu. Những can rượu được phụ nữ Dao rót liên tục mời lữ khách nếm thử, nếm cho đến say ngả nghiêng trời đất mới thôi. Tôi có cảm giác ở đây hình như rượu không còn là hàng hóa nữa, mà trở thành thứ văn hóa đặc biệt.

Đương nhiên, chợ “giật lùi” cũng như hầu hết phiên chợ vùng cao, không chỉ để mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là điểm gặp gỡ của các chàng trai, cô gái khi đến tuổi hẹn hò. Người đã có gia đình đi chơi chợ để thỏa nỗi nhớ, mong gặp người quen… Hay đơn giản chỉ để chia sẻ với bạn bè, người thân mà ngày thường không có dịp. Phải chăng đó là những nét văn hóa rất riêng chỉ có ở những phiên chợ vùng cao!

Bài và ảnh: Minh Hưng