Điều hành linh hoạt, đại biểu sâu sắc
Với tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”, hình thức giám sát đặc biệt của Quốc hội qua nhiều kỳ họp luôn có sức hút đối với cử tri và nhân dân. “Trong mỗi kỳ họp của Quốc hội, phiên họp tạo nên sức “nóng” và là điểm nhấn theo tôi là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là hoạt động giám sát bậc cao được quan tâm, theo dõi và kỳ vọng. Bởi nó không chỉ mang tính pháp lý mà luật đã quy định mà trên hết là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, Chính phủ đối với đất nước, với nhân dân. Qua theo dõi, cử tri cũng giám sát và đánh giá được trách nhiệm vai trò của ĐBQH cũng như giám sát luôn trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu, nhất là người đứng đầu. Chúng tôi mong chờ những cam kết hợp pháp, hợp lý và hợp lòng dân” - cử tri Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.
Để sẵn sàng cho phiên chất vấn, công tác chuẩn bị đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngay sau phiên họp buổi chiều 7.11 của Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan để rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám. “Điểm mấu chốt của phiên chất vấn chính là các bộ phận phải “tròn vai”, thuộc bài. Điều mà cử tri quan tâm, kỳ vọng đối với Quốc hội đó chính là Chủ tọa điều hành linh hoạt, các ĐBQH chất vấn sâu sắc. “Sâu” ở đây là am hiểu vấn đề chất vấn, tìm hiểu, xác minh qua thực tiễn để có chính kiến của mình, nhất là đối với các dẫn chứng, số liệu phải chính xác tuyệt đối, kị nhất là nắm thông tin kiểu “nghe nói”, “theo như”. Còn “sắc” là phong thái, sự sắc nét, thể hiện đặt câu hỏi, nêu vấn đề ngắn, gọn, rõ theo đúng yêu cầu hỏi 1 phút như nội quy phiên chất vấn đã đề ra - cử tri Lê Vân, thành phố Quy Nhơn, Bình Định chia sẻ.
Những vấn đề mong muốn được tháo gỡ
Qua nắm bắt dư luận và tâm tư của đại đa số cử tri về phiên chất vấn sáng nay của Quốc hội, nhiều cử tri dành sự quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng với hàng loạt bất cập, vướng mắc mong muốn lãnh đạo ngành phân tích làm rõ. Trong đó, cử tri quan tâm đến thị trường vàng biến động khó lường. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 19.4 - 23.5.2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn); từ ngày 3.6 đến 29.10.2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu cũng như bán trực tiếp thì chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới tuy có giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao.
“Vì sao lại như vậy? Có hay không các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ngành ngân hàng có biện pháp gì để kiểm soát ?” Đó là những câu hỏi qua thăm dò dư luận cử tri chúng tôi nắm bắt được. “Đó cũng chính là vấn đề sẽ có nhiều ĐBQH chất vấn và tranh luận. Làm rõ được nguyên nhân và có các giải pháp cụ thể để kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới là điều cử tri và nhân dân đang mong chờ” - cử tri Nguyễn Thanh Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khẳng định.
Một vấn đề nhiều cử tri quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng đó chính là việc tiếp cận và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi. Theo đó, tình trạng doanh nghiệp không mặn mà với các gói hỗ trợ, ưu đãi được nhiều cử tri chia sẻ. Đơn cử như việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã tổng kết tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm (tối đa 40.000 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng (NH) thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh...
Thế nhưng đến hết năm 2023, gói này chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng, tương đương khoảng 3,05% quy mô gói. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỷ đồng không sử dụng hết. Có phải nguyên nhân chỉ do các doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách; do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra hay là còn vì lý do khác nữa? Đây cũng là điều nhiều cử tri trăn trở và mong muốn sẽ có giải pháp từ hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội.
Y tế cũng là lĩnh vực thiết yếu, hứa hẹn sẽ có nhiều nội dung được Quốc hội đưa ra diễn đàn phiên chất vấn và rất nhiều cử tri đang kỳ vọng những “điểm nghẽn” trên lĩnh vực này sẽ được mổ xẻ, làm rõ trách nhiệm và có hướng tháo gỡ. Một trong số đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Vấn đề này đã được chỉ ra từ những năm trước (trước, trong đại dịch Covid-19) đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Từ huyện Quế Phong xuống thành phố Vinh đi khám, những tưởng sẽ mua thuốc đúng như kê đơn tại phòng khám của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thế nhưng sau khi khám xong lại được giới thiệu ra ngoài các nhà thuốc để mua. Đề nghị ngành y tế có giải pháp, nhất là cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như vùng miền Tây Nghệ An chúng tôi” - cử tri Vi Thị Mến, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An kỳ vọng.
Với chuẩn bị chu đáo, tinh thần và trách nhiệm cao của các "Tư lệnh" ngành cùng tâm thế mang tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân tới nghị trường của các ĐBQH, tin tưởng sẽ có nhiều vấn đề cử tri mong đợi được Quốc hội chất vấn, làm rõ, từ đó có những cam kết hợp lòng dân. Để các “điểm nghẽn” trên 3 lĩnh vực được chất vấn lần này được tháo gỡ, mở lối cho kinh tế phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân được nâng cao hơn.