Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước cửa Trung tâm cấp cứu và Trung tâm đột quỵ rất đông người dân chực chờ. Theo đó, nhiều người nhà bệnh nhân tập trung tại các cây sưởi đốt gas được đặt trên vỉa hè giữa tòa nhà A và P, để cùng nhau trò chuyện và sưởi ấm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, anh Duy Sơn (33 tuổi, Hưng Yên) cho biết, bản thân đang phải trải qua những ngày khó khăn và lo lắng khi đưa người nhà cấp cứu. Bởi gặp thời tiết lạnh khắc nghiệt, anh chưa chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng do lầm tưởng sẽ được ở trong phòng cùng người bệnh.
Tuy nhiên, anh cũng đã kịp mua cho mình một “combo” lều, chăn, gối để giữ ấm vì không ai muốn phải nằm ngoài trời cả đêm trong lạnh rét với nhiệt độ hạ thấp. Mặc dù rất muốn trở về nhà, nhưng tình hình sức khỏe của người nhà vẫn chưa ổn định, khiến việc đi về trở nên không thể dự đoán được.
Ngồi co ro ở một góc bệnh viện, anh Phạm Huy (40 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ, hôm nay là ngày thứ 3 kể từ lúc gia đình đã đưa bố vào viện để chăm sóc. Dù có mẹ và em gái cùng lên, nhưng do thời tiết rất buốt và lạnh nên đã khuyên mọi người trở về để đảm bảo sức khỏe. Còn anh thường xuyên ở ngoài và túc trực để sẵn sàng hỗ trợ ngay khi cần thiết, bao gồm cả việc cung cấp thực phẩm và đồ thiết yếu cho bố.
Anh Văn Mạnh (35 tuổi, Phú Thọ) bày tỏ, anh cùng một người thân đã mang theo chăn, gối để tạo điều kiện ngủ tốt hơn, khoảng 12 giờ đêm anh sẽ rải đồ ra để nằm. Sáng sớm, khoảng 6 giờ, anh phải gấp gọn lại để tạo lối đi hành lang. Mặc dù vất vả và mệt nhưng vẫn may khi còn có chỗ để “ đưa lưng” và sẵn sàng hỗ trợ người bệnh trong mọi tình huống khẩn cấp.
Người đàn ông đang sưởi ấm bằng cây sưởi gas di động được bệnh viện lắp đặt nhằm tạo không gian ấm áp hơn giữa trời lạnh giá rét.
Ở những khu vực khác, có sự tập trung đông người, nhiều người dành thời gian nói chuyện hoặc nằm chợp mắt để giữ sức cho người nhà của bệnh nhân túc trực bên ngoài.
Tương tự, tại Bệnh viện Việt Đức cũng tập trung rất đông người nhà bệnh nhân nằm nghỉ ở góc hành lang, gầm cầu thang hay thậm chí dưới những ghế đá lạnh để chăm sóc và nghe ngóng thông tin của người bệnh.
Anh Hữu Danh (28 tuổi, Nam Định) cho biết, anh cùng gia đình chỉ mới đến được 2 tiếng và đang đối diện với tình hình khẩn cấp khi người nhà cấp cứu. Với tình hình hiện tại của người bệnh, gia đình anh chỉ có thể chờ đợi và hy vọng vào sự hỗ trợ tốt nhất từ đội ngũ y bác sĩ. Trong khi đó, việc chuẩn bị chăn màn và đồ sinh hoạt cá nhân là điều rất cần thiết, khi có thể tối nay gia đình sẽ phải ngủ ở ngoài hàng lang để sẵn sàng hỗ trợ người thân.
Chị Thanh Thảo (37 tuổi, Thái Nguyên) cho hay, do thời tiết lạnh, gia đình chị đã thuê nhà trọ cách bệnh viện 3km để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc người nhà.
Trong ngày đầu, chị và mọi người đã cố gắng nằm nghỉ tại bệnh viện nhưng trời trở rét lạnh cùng việc nằm trên nền gạch rất khó chịu. Do vậy, mặc dù chi phí tăng cao nhưng chị chấp nhận bởi chỉ khi bản thân có đủ sức khỏe mới có thể chăm sóc tốt cho người nhà.
Những ô trống hành lang, gầm cầu thang được người nhà bệnh nhân tận dụng chỗ nghỉ ngơi. Chỉ với một không gian chật hẹp cùng đồ dùng giữ nhiệt nhưng trung bình có từ 6 đến 7 người tập trung ngồi nghỉ.
Để giữ gìn sức khoẻ, các bác sĩ khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.
Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.