Theo báo cáo của UBND Quận 1, trên cơ sở các chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, UBND quận đã triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, góp phần phát triển nâng cao chất lượng giáo dục. Các chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; 100% cán bộ, quản lý, nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên; thực hiện giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhà giáo chưa thực sự được coi trọng và phát huy năng lực. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra nghiêm trọng, kéo dài; số lượng giáo viên chưa đáp ứng đủ định mức trong đề án vị trí việc làm. Các cơ sở giáo dục không tuyển dụng được giáo viên do không có giáo viên đăng ký vào các vị trí cần tuyển dụng, giáo viên tham gia tuyển dụng chưa đạt yêu cầu…
Theo Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Mai Thị Hồng Hoa, thực trạng thiếu giáo viên ở các bậc học đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng, nhất là giáo viên các môn nghệ thuật, ngoại ngữ. Để khắc phục, UBND Quận 1 đang nghiên cứu nhằm tạo cơ chế cho các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện việc tuyển dụng, đồng thời chịu trách nhiệm với việc tuyển dụng này và có thể sẽ được triển khai thí điểm tại một số trường trong thời gian tới.
Về điều động, thuyên chuyển và dạy liên trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học Trần Bé Hồng Hạnh chia sẻ, quy định này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Song, cần quy định rõ, cụ thể theo hướng cơ quan quản lý giáo dục căn cứ vào tổng quan chung về nhân sự của các trường để có thể điều động nhân sự giữa các trường để vừa giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng giảng dạy.
Ngoài ra, bên cạnh quyền lợi của nhà giáo được quan tâm và thể hiện chặt chẽ, cần nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà giáo, có quy định về chế tài, trách nhiệm cụ thể của nhà giáo đối với cơ sở giáo dục nơi được tạo điều kiện để phát triển, đào tạo nâng cao nghề nghiệp.
Đồng tình với quy định dạy liên trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Đỗ Ngọc Chi cho rằng, tình trạng thừa thiếu giáo viên không chỉ là tình trạng của Quận 1 và của TP. Hồ Chí Minh, mà đây là thực tế đang diễn ra đối với các cơ sở giáo dục nói chung. Do đó, nếu triển khai thực hiện việc dạy liên trường sẽ góp phần giải quyết được tình trạng này. Tuy nhiên, nên triển khai ở địa phương nhỏ, các trường trong quận, huyện nhằm bảo đảm việc sắp xếp thời khóa biểu cũng như thời gian di chuyển cho các giáo viên.
Đoàn khảo sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả UBND Quận 1 đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo, dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề nghị UBND Quận 1 sớm khắc phục những bất cập, hạn chế đã chỉ ra và bổ sung đầy đủ đề xuất, kiến nghị, trong đó chú trọng những kiến nghị thực tiễn, nhưng liên quan đến chính sách gửi về cho Đoàn trước ngày 25.7 tới để đưa vào báo cáo khảo sát.
+ Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát có cuộc làm việc với Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của nhà trường, các quy định về chính sách tuyển dụng các chức danh công việc được trường xây dựng và thực hiện nghiêm túc, từ đó thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, công tác tuyển dụng và lựa chọn được thực hiện theo quy trình rõ ràng. Bên cạnh đó, trường cũng ban hành quy định về các tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm và sắp xếp nhân sự, đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt; chế độ làm việc cho từng đối tượng cụ thể, bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, chức danh công việc; chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên…
Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Kiên cho biết, hiện nay các tiêu chuẩn, nghĩa vụ liên quan đến nhà giáo được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, gây khó khăn trong công tác theo dõi và cập nhật để thực hiện kịp thời các quy định mới và các chính sách pháp luật khác liên quan.
Cũng như chưa có quy định cụ thể nào về việc tuyển dụng nhà giáo giáo dục đại học, mà việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo được thực hiện dựa trên nhu cầu của cơ sở giáo dục; chưa có một khung chính sách đồng bộ để tạo sự nhất quán trong tuyển sinh, đào tạo cùng các chương trình hỗ trợ liên quan đến mọi khía cạnh trong suốt quá trình công tác của nhà giáo…
Đại diện Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần xác định các tiêu chuẩn và quy trình tuyển dụng nhà giáo, bảo đảm việc tuyển dụng nhà giáo có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, nhân phẩm đạo đức phù hợp. Thể chế hóa quy trình đánh giá và xếp loại nhà giáo, bảo đảm đánh giá công bằng và đồng nhất về hiệu suất và chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, đóng góp trong lĩnh vực chuyên môn. Quản lý và sử dụng nhà giáo một cách có hiệu quả gồm phân công công việc, quản lý thời gian và tạo điều kiện để nhà giáo phát triển nghề nghiệp và sáng tạo trong công việc.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo.
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều mô hình giáo dục mới, nhiều cách làm mới, sáng tạo đã được triển khai và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh những vấn đề mới, bất cập, hạn chế, cũng như nhiều câu chuyện băn khoăn từ góc độ nghề nghiệp như nhà giáo có phải hoàn toàn là viên chức không, cùng một đối tượng nhà giáo nhưng được quy định ở các luật khác nhau, chứng chỉ hành nghề của nhà giáo...
Do đó, những ý kiến, kiến nghị của các trường đại học tại cuộc làm việc sẽ được Đoàn ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu đưa vào báo cáo khảo sát.