Cùng dự có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng.
Trước khi bắt đầu cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, các thành viên Đoàn khảo sát và Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận, Đại tá Trần Hữu Nhân cho biết, Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ nằm trong khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có đường bờ biển dài 192km; diện tích vùng lãnh hải trên 52.000km2, có đảo Hòn Hải là mốc A6 của đường cơ sở xác định chủ quyền lãnh hải; có tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều đảo ven bờ như: Cù Lao Câu, Hòn Rơm, Hòn Bà...; có đảo Phú Quý giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; có nhiều cảng, cửa sông, vũng, vịnh, thuận lợi cho tàu, thuyền neo đậu, vận tải hàng hải, du lịch, phát triển kinh tế biển.
Xác định công tác phòng không nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị và tầm chiến lược lâu dài trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện tốt chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương nghiên cứu, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện chặt chẽ Nghị định số 74/2015/NĐ-CP về phòng không nhân dân.
Tổ chức quán triệt sâu, kỹ kế hoạch công tác phòng không nhân dân và hoạt động của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân Trung ương hàng năm. Trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân Trung ương và Quân khu 7, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch công tác và hoạt động. Đồng thời, thường xuyên tổ chức quán triệt, giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền về công tác phòng không nhân dân cho các đối tượng có trọng tâm, trọng điểm.
Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, các hoạt động sử dụng phương tiện bay không người lái ngày càng nhiều, nhất là việc sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh từ trên không, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vùng trời.
Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh kiến nghị, cần có những văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức và công dân khi tham gia công tác phòng không nhân dân. Cần đầu tư ngân sách trang bị các phương tiện trinh sát, phát hiện và chế áp các phương tiện bay siêu nhẹ. Đồng thời, phân quyền cấp phép bay theo độ cao cho các đơn vị, địa phương, nhất là các phương tiện bay ở độ cao dưới 50m. Như vậy, công tác quản lý, giám sát bay sẽ chặt chẽ hơn và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi xin phép bay.
Các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận cung cấp thêm thông tin và kinh nghiệm quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đánh giá vai trò của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 74/2015/NĐ-CP còn khó khăn vướng mắc gì; việc luân chuyển cán bộ thời gian qua có ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng không nhân dân của địa phương…
Đánh giá cao sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận với công tác phòng không nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ trên không từ sớm, từ xa; đề nghị, Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung điều khoản trong dự thảo Luật, đóng góp ý kiến cụ thể và hoàn thiện báo cáo gửi lại sớm cho Đoàn khảo sát.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: việc xây dựng thế trận phòng không nhân dân gắn với đặc thù của địa phương vừa có biển, có rừng, có đồng bằng, là trung tâm du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao… cần có ưu tiên như thế nào để quá trình tổ chức, diễn tập, huấn luyện phòng không nhân dân diễn ra an toàn, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu. Các tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hiện nay được phát triển với đủ loại hình, nhất là sử dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, văn hoá, thể thao, du lịch… Cần quy định trong luật như thế nào để vừa bảo đảm việc dự báo, góp phần ngăn ngừa những hành động có nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia, nhưng không ngăn cản việc sử dụng các phương tiện này để phát triển kinh tế, phục vụ văn hoá, du lịch.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung của dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ Tám tới.