Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành…
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15. Trong đó, tại Điều 3 của Nghị quyết quy định giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Để thực hiện dự án này, Chính phủ đã có Tờ trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, ban hành Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan liên quan (gồm cơ quan phê duyệt, chủ đầu tư, chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua) đề nghị điều chỉnh diện tích rừng, đất rừng và đất chuyên trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 do khi triển khai bước lập thiết kế kỹ thuật, phương án tuyến cần được tối ưu hóa để bảo đảm kinh tế - kỹ thuật; cập nhật chính xác điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi cao độ đường đỏ, độ dốc mái đào, đắp; xác định chính xác ranh giới, phạm vi chiếm dụng đất của dự án.
Do vậy, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 với nội dung cụ thể gồm: diện tích rừng phát sinh tăng 438,3ha (gồm 31,5ha rừng tự nhiên và 406,8ha rừng trồng); diện tích đất rừng phát sinh tăng 582,93ha; diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phát sinh tăng lên 152,55ha.
“Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát diện tích rừng, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, sản xuất, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên cần phải chuyển mục đích sử dụng bảo đảm hiệu quả tối ưu; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm khi chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết.
Các đại biểu tham dự Phiên họp đều tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ để tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ thi công, hoàn thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Song, các đại biểu cũng lưu ý, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là khá lớn. Theo đó, diện tích rừng phát sinh tăng 438,3ha/1.054,63ha (45,83%), đất rừng phát sinh tăng 582,93ha/1.863,94ha (31,27%), đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên phát sinh tăng 152,55ha/1.537,33ha (9,92%) so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15.
Trong khi đó, báo cáo về triển khai dự án này của Chính phủ mới nhất cho thấy, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án đạt khoảng 95% diện tích, đang tiếp tục công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị, các cơ quan hữu quan cần rà soát, tổng hợp lại để tách bạch rõ phần diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước tăng thêm thuộc phạm vi của dự án hay nằm ngoài phạm vi của dự án? Việc điều chỉnh này có làm tăng tổng mức đầu tư dự án không?
Một số ý kiến đề nghị, các bộ, ngành và các địa phương có dự án đi qua cần phối hợp đánh giá tác động đến đời sống người dân khi thu hồi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước này. Trong đó, cần chú ý đánh giá tác động đến đồng bào dân tộc thiểu số, vì đồng bào có thói quen canh tác khác, trong khi đó, thu nhập phụ thuộc chính vào kết quả canh tác nông sản. Hồ sơ của Chính phủ chưa có đánh giá tác động đối với việc thu hồi diện tích đất canh tác lúa của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 12 tỉnh có dự án đi qua.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần rà soát để bảo đảm việc điều chỉnh với các quy hoạch có liên quan; báo cáo cụ thể phương án phát triển đất, trồng rừng, trồng lúa thay thế đối với phần diện tích cần chuyển đổi cho dự án theo quy định của pháp luật; phương án để bù đắp phần diện tích đất trồng lúa đã chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 134 của Luật Đất đai...
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đã giải trình, làm rõ những vấn đề các đại biểu tham dự quan tâm.
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Chính phủ trình Tờ trình số 173/TTr-CP ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước là phù hợp. Song, cũng có ý kiến cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khi chưa quyết định đầu tư, nhưng dự án đang triển khai nên cần cân nhắc thẩm quyền quyết định nội dung này cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, các bộ, ngành cần phối hợp để xác định rõ nguyên nhân của việc điều chỉnh từng mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ 2 vụ, bảo đảm phần diện tích đất tăng thêm bám sát với từng mục đích sử dụng được Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 quy định. Nếu phần diện tích đất tăng thêm thuộc những dự án nằm ngoài phạm vi dự án thì không được đưa vào đề xuất lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, cần thuyết minh thật rõ đối với từng khu vực tăng có nguyên nhân từ thay đổi hướng tuyến, bổ sung hạng mục khác với chủ trương đầu tư, mở rộng diện tích tái định cư… qua đó hoàn chỉnh số liệu, bảo đảm tính chính xác cao nhất.