Báo cáo về dự kiến, nội dung Kỳ họp thứ Bảy, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp là 26 ngày, với 2 đợt: đợt 1 là 17 ngày (từ ngày 20.5 đến ngày 8.6); đợt 2 là 9 ngày (từ ngày 17.6 đến sáng ngày 27.6). Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cùng với đó, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Cử tri huyện Thanh Hà đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm và trí tuệ của Quốc hội thời gian qua; cho rằng, các nội dung chương trình Kỳ họp thứ Bảy đều là có ý nghĩa quan trọng, gắn chặt với cuộc sống dân sinh, được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi. Cử tri nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, những đổi mới thiết thực và hiệu quả của Quốc hội đã góp phần bảo đảm các quyết sách ngày càng đúng, trúng, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và mong muốn của cử tri, Nhân dân.
Đánh giá cao chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua, song cử tri huyện Thanh Hà cũng cho biết, còn lo ngại về tình trạng cán bộ dôi dư sau sắp xếp, do đó, đề nghị Quốc hội ban hành một chính sách về bố trí, sắp xếp và chế độ tiền lương cho cán bộ dôi dư phù hợp với thực tế. Cử tri cũng đề nghị có chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Một số ý kiến đề nghị, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ xi măng để xây dựng khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có mở rộng đường liên xóm; có chế độ, chính sách tăng mức trợ cấp đối với quân nhân sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cảm ơn sự tham gia đông đủ của cử tri huyện Thanh Hà; đồng thời nêu rõ, Kỳ họp thứ Bảy tới có nhiều nội dung hết sức quan trọng nên công tác chuẩn bị đều rất kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Qua ý kiến cử tri huyện Thanh Hà, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có một số vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Do đó, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, địa phương cần bám sát các kiến nghị để giải quyết thấu đáo cho cử tri.
Liên quan đến vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã mang lại những hiệu quả nhất định và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, trong đó, có các quy định về kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, như số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính đều thực hiện theo lộ trình và có tính toán cụ thể để bảo đảm sắp xếp cán bộ, công chức hợp lý cũng như bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức". Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, đồng thời giám sát việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn để báo cáo cử tri trong các cuộc tiếp xúc tiếp theo.