Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tiếp tục tạo khung khổ pháp lý giải quyết các khó khăn, thách thức của nền kinh tế

Sáng mai, 20.5, Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, dự kiến xem xét, quyết định 42 nội dung. Khối lượng công việc của Kỳ họp là rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tác động sâu rộng không chỉ đối với phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của Nhân dân mà còn cả văn hóa, tinh thần, kiến tạo các động lực phát triển mới... ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan, các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tiếp tục tạo khung khổ pháp lý cho việc giải quyết các khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của đất nước trong thời gian tới.

Không để xảy ra các cú sốc với nền kinh tế

- Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định tới 42 nội dung, ông đánh giá như thế nào về chương trình nghị sự cũng như những tác động của Kỳ họp đối với đất nước?

- Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước diễn ra sôi động hơn. Mặc dù tác động từ diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vẫn rất lớn, nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ; nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng GDP, công nghiệp, du lịch, thu hút FDI, doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản… tích cực hơn. Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của giai đoạn hậu đại dịch Covid - 19 nhưng chúng ta đã tăng 8 bậc trong Bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Vị thế, uy tín của đất nước tiếp tục được nâng lên.  

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến sức chống chịu, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài, nhất là sức ép về lạm phát, cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị… Có thể nói, thời gian tới, kinh tế nước ta vẫn chịu khó khăn lớn, tạo áp lực lên công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến trong 26,5 ngày làm việc của Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 42 nội dung quan trọng trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, chưa kể rất nhiều nội dung được gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, giám sát. Khối lượng công việc của Kỳ họp là rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tác động sâu rộng không chỉ đối với phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, sức khóe của Nhân dân mà còn cả văn hóa, tinh thần, kiến tạo các động lực phát triển mới...

Chỉ tính riêng công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Trong số này có những dự án Luật được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt bởi phạm vi tác động rất rộng, rất trực diện đến đời sống như: dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…

Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2025; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn… Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan liên quan và các cơ quan của Quốc hội đã làm việc hết sức tích cực, khẩn trương, nỗ lực bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội, nhất là những nội dung trong chương trình xem xét, thông qua tại Kỳ họp. Một số nội dung khó, phức tạp dù được đề xuất bổ sung vào thời điểm sát với Kỳ họp nhưng với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, với mục tiêu xử lý hiệu quả nhất, kịp thời nhất các vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, thẩm tra, cho ý kiến thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội. Tài liệu, hồ sơ dự án, dự thảo Chính phủ trình đến đâu, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đều gửi ngay tới đại biểu Quốc hội để đại biểu chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi tin rằng, các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp này sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tiếp tục tạo khung khổ pháp lý cho việc giải quyết các khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của đất nước trong thời gian tới.

- Như ông vừa chia sẻ, các hoạt động kinh tế - xã hội đã sôi động hơn, tích cực hơn, nhưng thực tế cũng cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức. Một nội dung quan trọng tại Kỳ họp là Quốc hội sẽ xem xét đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm nay, trên cơ sở đó sẽ xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra cho năm 2024. Theo ông, trong điều hành tới đây cần chú trọng những vấn đề gì?

- Về cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp cuối năm 2023 đến nay vẫn đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, tình hình thực tiễn những tháng đầu năm nay đã có những diễn biến mới, một số lĩnh vực khó khăn hơn.

Trên bình diện thế giới, đa số các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới; lạm phát dự báo sẽ giảm dần nhưng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương vẫn ở mức cao, chưa rõ thời điểm giảm; bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và kinh tế toàn cầu…

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; mục tiêu tăng trưởng nhiều thách thức; kiểm soát lạm phát, tỷ giá gặp khó khăn, có xu hướng tăng; cầu tiêu dùng tăng thấp, cầu đầu tư tư nhân yếu, tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, thị trường bất động sản còn khó khăn, thị trường vàng nhiều bất cập…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phân tích, đánh giá rất rõ, rất cụ thể những khó khăn, thách thức này, đồng thời nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm, có giải pháp khắc phục. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, theo dõi tình hình thực tế, nắm bắt thực tiễn đời sống và tâm tư, ý nguyện của Nhân dân, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để có những lưu ý, yêu cầu cụ thể đối với Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Điều quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là phải điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách khác bám sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị trong nước và trên thế giới, các tác động liên quan do các cuộc xung đột quân sự, các động thái chính sách của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn. Các bộ, ngành, Chính phủ cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, cần có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cùng với việc có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Và phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia…

Chọn phương án tốt hơn, có lý có tình hơn

- Về lập pháp, như ông nhận định, trong số các dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họpcó những dự án Luật được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Trong đó, phải kể đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ông đánh giá như thế nào về chất lượng dự thảo Luật trình Quốc hội lần này?

- Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu. Đây luôn là dự án Luật khó, mỗi lần sửa đổi đều nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và Nhân dân, lần này mức độ quan tâm càng lớn hơn vì dự luật tiếp tục thể chế hóa nhiều chủ trương lớn liên quan đến cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử…

Ngay sau Kỳ họp thứ Sáu, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật từ Phiên họp thứ 31 (tháng 3.2024), ngày 15.5, Chính phủ đã có báo cáo giải trình về các nội dung được Ủy ban Xã hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, yêu cầu làm rõ hơn.

Tất nhiên, như tôi đã nói, đây là dự án Luật có tác động rất sâu rộng đến đời sống người lao động, có những nội dung chỉ có phương án tốt hơn, hợp lý hơn, có lý có tình hơn chứ không thể có phương án tốt nhất, đáp ứng mọi mục tiêu đặt ra. Đơn cử như về bảo hiểm xã hội một lần, tại Phiên họp thứ 31, sau khi xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, hoàn thiện phương án quy định phải bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn và ổn định xã hội; phương án được lựa chọn phải có lý, có tình để được đông đảo người lao động hiểu, đồng thuận, ủng hộ.

Tại Báo cáo số 234/BC-CP ngày 15.5.2024 về Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan và trực tiếp người lao động (cả người lao động đang tham gia và người lao động đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Qua đó, Chính phủ cho rằng, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân thì cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp. Cùng với các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được quy định tại dự thảo Luật này thì cũng phải thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật có liên quan khác như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt; đặc biệt sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ duy trì việc làm tránh sa thải lao động, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm… sớm giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Chính phủ cũng đề nghị cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội, những lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân và an sinh xã hội bền vững của đất nước.

Như vậy, trên tinh thần chung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đối với phương án quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; trên cơ sở giải trình của Chính phủ và tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, tại Kỳ họp thứ Bảy, các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng để lựa chọn được phương án có lý, có tình, được đông đảo người lao động hiểu, đồng thuận và ủng hộ.

- Tại Hội nghị chiều 18.5, Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất bổ sung chương trình Kỳ họp một số nội dung rất quan trọng và có thể nói là rất khó, rất phức tạp. Các đề xuất này sẽ được xem xét như thế nào, thưa ông?

- Chính phủ đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình một số nội dung như: thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; thí điểm tách công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập; giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông; phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; thực hiện cải cách chính sách tiền lương; đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng​...

Đây đều là những nội dung rất quan trọng, nếu được xem xét, quyết định sớm sẽ tác động tích cực, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước. Do đó, tinh thần chung của Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ủng hộ đề xuất bổ sung chương trình Kỳ họp, nhưng các nội dung này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, có hồ sơ, tài liệu đầy đủ, có đủ thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tổ chức thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy trình luật định, bảo đảm nguyên tắc của Trung ương chỉ trình những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh, những vấn đề vượt thẩm quyền phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã khẳng định rất rõ quan điểm này của Đảng Đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi Chính phủ có hồ sơ trình bảo đảm các yêu cầu này thì kể cả làm việc ngoài giờ hành chính, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng sẵn sàng xem xét để đề xuất Quốc hội bổ sung chương trình.

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

“Kỳ họp thứ Bảy diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Trong đó, một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phát biểu bế mạc Hội nghị là “tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2024 - 2025 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Chương trình nghị sự, các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp phải thể hiện đậm nét tinh thần này”.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 

Chính trị

Truyền thông Campuchia ca ngợi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Theo dòng sự kiện

Truyền thông Campuchia ca ngợi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chiều 24.11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã rời thủ đô Phnom Penh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP-12) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP-11).

Một số hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Vương quốc Campuchia và dự Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á, phiên họp của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình
Chính trị

Một số hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Vương quốc Campuchia và dự Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á, phiên họp của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình

Từ ngày 21 - 24.11.2024, theo lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Chung Eui-yong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã thăm chính thức Vương quốc Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP), Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức và tham dự hội nghị quốc tế tại Campuchia
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức và tham dự hội nghị quốc tế tại Campuchia

Chiều nay, 24.11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 (ICAPP 12) của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á, Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) theo lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực ICAPP Chung Eui-yong.

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc
Sự kiện nổi bật

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc

Lời Tòa soạn: Sáng nay, 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11), khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11
Sự kiện nổi bật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11

Sáng nay, 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các trưởng đoàn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11
Sự kiện nổi bật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các trưởng đoàn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Sáng 24.11, tại thủ đô Phnom Penh, trước khi khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các trưởng đoàn chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary, Chủ tịch Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ kỷ niệm 15 năm Quan họ Bắc Ninh được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ kỷ niệm 15 năm Quan họ Bắc Ninh được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại

Tối 23.11, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và phát biểu.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia - Ảnh Doãn Tấn/TTXVN
Sự kiện nổi bật

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia

Ngày 23.11, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Phnom Penh, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã gặp và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VCBA) tại Đại sứ quán Việt Nam nhằm lắng nghe nguyện vọng, vướng mắc của VCBA, qua đó hỗ trợ cũng như góp phần tháo gỡ những khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại Campuchia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận - Ảnh Hồ Long
Thời sự Quốc hội

Bổ sung trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hóa chất

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) chiều nay, 23.11, có ý kiến đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Điều này sẽ góp phần làm rõ trách nhiệm pháp lý, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan và tăng cường an toàn trong vận chuyển hóa chất.

Biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Thời sự Quốc hội

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, chiều 23.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 413/422 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,22% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Thời sự Quốc hội

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Chiều 23.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”, với 421/423 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, chiếm 87,89% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại tổ 15. Ảnh: Hạnh Nhung
Thời sự Quốc hội

Làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp

Sáng 23.11, thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước) về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ĐBQH nhấn mạnh cần làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp; điều này sẽ dễ quy trách nhiệm pháp lý, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh.