DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI VÀ DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục, thỏa đáng

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 05:42 - Chia sẻ

Quan ngại của Ủy ban Kinh tế với đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay đầu tư hai dự án trong giai đoạn 2024 - 2025 đã được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, các địa phương cần thực hiện theo quy định của pháp luật, tự phát hành trái phiếu địa phương.

Quan ngại với đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay lại

Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã xây dựng thêm Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, cùng với hai Báo cáo thẩm tra chi tiết tương ứng với hai Tờ trình của Chính phủ như thông lệ.

Tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục, thỏa đáng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Lâm Hiển)

Tại hình thức báo cáo thẩm tra mới này, nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ quan điểm về nhiều vấn đề xung quanh hai dự án. Những quan điểm rõ ràng đối với các vấn đề chung (nguồn vốn thực hiện, phân kỳ đầu tư, cơ chế, chính sách đặc thù), cũng như một số vấn đề riêng của mỗi dự án (công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô; chia các dự án thành phần tại dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh).

Trong đó, đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan ngại với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay đầu tư hai dự án trong giai đoạn 2024 - 2025. Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương trong giai đoạn 2026 - 2030.

Bởi, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Quản lý nợ công đã quy định Chính phủ không được phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại. Mặc dù, theo tính toán, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để các địa phương vay lại chưa dẫn đến dư nợ công vượt mức trần cho phép, nhưng mức phát hành thêm này sẽ làm tăng mức vay nợ của Chính phủ ngoài phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 43/2022 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. “Hơn nữa, việc chính quyền địa phương vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ và chịu trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Dù vậy, theo giải trình của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, thực hiện theo phương án này có một số điểm thuận lợi hơn so với giao cho các địa phương phát hành trái phiếu. Thực tế, trong số các địa phương có hai đường vành đai đi qua, chỉ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khả năng phát hành trái phiếu địa phương một cách thuận lợi, các địa phương còn lại rất khó khăn. Do vậy, nếu được Quốc hội cho phép cơ chế Chính phủ phát hành trái phiếu rồi cho vay lại sẽ có một số điểm thuận lợi hơn, chi phí giảm hơn, thời gian nhanh hơn, nguồn vốn có thể huy động tức thời được tốt hơn.

Tuy đã có kinh nghiệm phát hành được gần 3.000 tỷ đồng trái phiếu địa phương, nhưng Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, nếu được áp dụng cơ chế nêu trên thì các địa phương trong vùng dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sẽ đỡ phải cân đối đầu tư công trung hạn kỳ này, cũng như tiến hành các thủ tục đối với một số địa phương chưa thực hiện việc phát hành trái phiếu.

Khác với các địa phương khác, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, tại hai nghị quyết của HĐND thành phố về phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định rõ phần vốn để đầu tư cho việc hình thành và thông tuyến toàn bộ dự án Vành đai 4, cũng như các tuyến đường Vành đai 1, 2 và 3 đang triển khai thực hiện, hay với tuyến Vành đai 3, 5 đã chuẩn bị đầu tư xong. Bên cạnh khẳng định Hà Nội không cần phát hành trái phiếu địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đưa ra cam kết cụ thể đối với tiến độ thực hiện của từng tuyến đường vành đai nêu trên.

“Các địa phương làm cho quen”

Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có quan điểm rất rõ ràng “đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật”, địa phương chưa có kinh nghiệm thực hiện nên “làm cho quen đi”. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện phát hành trái phiếu địa phương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác có thể hỗ trợ để các địa phương thực hiện. “Từ năm 2011 đã có địa phương thực hiện phát hành trái phiếu, tại sao bây giờ không làm được? Doanh nghiệp còn phát hành trái phiếu, tại sao chính quyền địa phương không phát hành được?”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Việc các địa phương thực hiện phát hành trái phiếu để có kinh phí thực hiện dự án quan trọng, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ góp phần hình thành một thị trường vốn cho đồng khắp từ Trung ương đến địa phương. hơn nữa, Luật Quản lý nợ công quy định không được thực hiện việc này nên “không cần thiết đề xuất thực hiện một hoạt động đã bị luật cấm thực hiện”.

Căn cứ trên quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần xem xét lại cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô hà Nội và dự án Vàng đai 3 TP. Hồ Chí Minh. “Việc thực hiện hai dự án đường vành đai này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho vùng Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh, cũng như các địa phương lân cận. Tuy nhiên, cần xử lý một số vấn đề kỹ thuật cụ thể của mỗi dự án, cũng như cơ cấu nguồn vốn thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Chỉ ra một số điểm cần lưu ý, song cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thực hiện một số cơ chế, chính sách khác được Chính phủ đề xuất như: các địa phương được áp dụng trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công; giao các dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện; giao UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ của toàn dự án. Tuy nhiên, với việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu tương tự như quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đồng ý xem xét quyết định thực hiện cơ chế này nếu thấy cần thiết với gói thầu liên quan đến tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thời gian áp dụng cũng trong năm 2022 - 2023, thay vì được áp dụng trong toàn bộ thời gian thực hiện như đề xuất của Chính phủ.

Cơ bản đồng tình với sự cần thiết đầu tư thực hiện dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục, thỏa đáng những vấn đề cơ quan thẩm tra chỉ ra. Trong đó, cần “nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong tổ chức triển khai hai dự án này” là yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

LÊ BÌNH