
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ, Luật Lưu trữ năm 2011 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức ở địa phương và lưu trữ lịch sử các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan, tổ chức cũng như nhu cầu về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách hành chính nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật Lưu trữ hiện hành đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như chủ trương, chính sách mới của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
Nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024 để cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 54 điều (tăng 2 chương 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; quy định về lưu trữ tài liệu điện; quy định về hoạt động lưu trữ tư; quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Báo cáo ý kiến Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đỗ Đức Hiển nêu rõ, Nhóm tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu đề nghị, Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung, nhấn mạnh về “sứ mệnh” của lưu trữ, bên cạnh việc gìn giữ những tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, còn là nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về lưu trữ.
Bên cạnh đó, bố cục của dự thảo Luật chưa thực sự hợp lý khi đưa nội dung về quản lý và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lên trước nội dung hoạt động nghiệp vụ lưu trữ. Nhóm nghiên cứu đề nghị bố cục lại các nội dung theo quy trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ lưu trữ.
Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Luật Lưu trữ như Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo của Nhóm nghiên cứu. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi Luật, phạm vi điều chỉnh, hồ sơ dự án Luật, bố cục của dự thảo Luật, đối tượng áp dụng; xác định giá trị tài liệu, hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý lưu trữ tư...

Liên quan đến lưu trữ điện tử, một số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, lưu trữ điện tử là bắt buộc. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ có nhiều loại hình và lưu trữ điện tử chỉ là một trong số đó. Do đó, đề nghị lồng ghép quy định về lưu trữ điện tử trong các chương, điều cụ thể của dự thảo Luật thay vì dành hẳn một Chương để quy định nội dung này.
Về kho lưu trữ số, có ý kiến cho rằng, với công nghệ 4.0 như hiện nay, cần xây dựng kho lưu trữ chung đối với khối cơ quan nhà nước để bảo đảm sự đồng bộ, tránh trường hợp mỗi cơ quan lại có phần mềm lưu trữ khác nhau, gây khó khăn khi truy cập tài liệu.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang ghi nhận ý kiến của các đại biểu; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26 đang diễn ra.