Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, viện nghiên cứu, hiệp hội…
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Chính phủ đề xuất tên gọi của dự án Luật là dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, khác với tên gọi dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển và thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Luật Xây dựng năm 2014, qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 61 điều quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật đã có một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới theo hướng: phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị; bổ sung chức năng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với một số cơ quan nhà nước như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp…
Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng quy định rút gọn trình tự lập quy hoạch; bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.
Các đại biểu tham dự phiên họp tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thống nhất, đồng bộ trình tự, cấp độ, tính chất quy hoạch và nguồn kinh phí lập quy hoạch, bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý; có giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật hiện hành. Một số ý kiến tán thành với tên gọi của dự án Luật được Chính phủ đề xuất, vì tại các đô thị ở nước ta đều có khu vực nông thôn, trong đó giữa đô thị và nông thôn có sự kết nối chặt chẽ với nhau; tên gọi này đã bao hàm phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động của dự án luật.
Quan tâm đến việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến lưu ý, cần rà soát quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn gồm các loại và cấp độ quy hoạch để bảo đảm thống nhất với quy định liên quan tại Luật Quy hoạch năm 2017; rà soát các tiêu chí phân loại cấp đô thị tại dự thảo Luật để thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành...
Các ý kiến trên cũng đề nghị, Ban soạn thảo lý giải rõ hơn về việc bổ sung quy định cụ thể về các loại quy hoạch khu chức năng (tại Điều 5 dự thảo Luật), vì ngay khi thực hiện quy hoạch 1/2.000 đã có thể phát sinh thêm nhiều khu vực chức năng mới, khiến luật khó theo kịp cuộc sống; đồng thời, tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với các luật liên quan, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, dễ theo dõi và triển khai các dự án cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định, bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan, sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, qua đó giúp tạo thuận lợi trong triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Đối với hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới; bổ sung tổng kết thi hành quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đang được thực hiện thí điểm theo các Nghị quyết của Quốc hội; rà soát các luật, nghị quyết hiện hành, cũng như các dự án luật trình Quốc hội để làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính khoa học, tính hợp lý, khả thi của việc quy định thời hạn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn khác với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch hiện hành; tiếp tục làm rõ về sự cần thiết của việc duy trì cả quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đối với thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục hoàn thiện quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ; rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định để khắc phục những hạn chế trong xác định quy hoạch chiều cao nền xây dựng hiện hành...