Cùng dự có đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, tại Tờ trình số 82 ngày 5.3.2024 về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024, Chính phủ đề nghị dự án Luật này nếu được chuẩn bị tốt, đạt sự đồng thuận cao thì báo cáo Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật sắp tới.
Theo Tờ trình dự án Luật, việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Dự án luật tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hoá những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 74 Điều, so với Luật hiện hành đã sửa đổi 54 điều, bổ sung 1 điều, bỏ 3 điều.
Tại phiên họp, đa số đại biểu tán thành với việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị, trong Báo cáo tổng kết cần đánh giá toàn diện hơn những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc tổ chức thi hành luật hiện hành. Đồng thời, đánh giá kỹ hơn, có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc hơn về các nội dung sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo luật liên quan đến các quy định của một số luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Đầu tư; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự… Vì vậy, các ý kiến cũng đề nghị rà soát kỹ quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các khái niệm quy định tại Điều 3, quy định liên quan đến quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính tương thích.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho rằng, các ý kiến phát biểu đã tập trung đi sâu làm rõ những nội dung trọng tâm của dự án luật, cả về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn; nêu rõ, đây là cơ sở quan trọng để Ủy ban xây dựng Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới.