Sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật hiện hành
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác cảnh vệ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác cảnh vệ; xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng nêu rõ, dự thảo Luật gồm 2 Điều, cụ thể: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; cụ thể đề xuất sửa đổi, bổ sung 15/33 điều; Điều 2 quy định hiệu lực thi hành. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này".
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ và nguyên tắc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức danh, chức vụ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; luật hóa một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ; quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ…
Nên thiết kế một điều riêng quy định về các biện pháp cảnh vệ
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, nhấn mạnh việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an Nhân dân, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nội dung xây dựng lực lượng Công an Nhân dân; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Kết luận số 35-KL/TW, ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.
Ủy ban nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình và điều chỉnh của dự thảo Luật; phù hợp với mục đích, quan điểm xây dựng Luật là thể chế đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Về bổ sung các quy định liên quan đến biện pháp cảnh vệ (điểm b khoản 1 Điều 1), Ủy ban thấy rằng, biện pháp cảnh vệ là một trong những nội dung quan trọng của Luật Cảnh vệ, là một bộ phận của các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo đảm các điều kiện cho sự ổn định, vững mạnh của chế độ chính trị, sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội.
Dự thảo Luật đã bổ sung giải thích một số biện pháp cảnh vệ (biện pháp kiểm tra an ninh, an toàn, biện pháp kiểm nghiệm thức ăn, nước uống, biện pháp sử dụng thẻ, phù hiệu). Việc bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ là cần thiết, góp phần hoàn thiện Luật Cảnh vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời, luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thiết kế một điều riêng trong Chương II quy định về các biện pháp cảnh vệ (thu hút các nội dung bổ sung ở phần giải thích từ ngữ và các biện pháp cảnh vệ khác đã được nêu trong Luật) để bảo đảm rõ ràng, dễ theo dõi, dễ thực hiện; sau đó quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ (tại Chương II).