Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XV

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế VAT

- Thứ Hai, 20/11/2023, 18:01 - Chia sẻ

Chiều nay, 20.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%

Trình bày Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế VAT -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng Nghị quyết là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế VAT -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quang Khánh

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong khi kết quả kích cầu là không rõ nhưng việc giảm thu tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế. Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (trong đó, đặc biệt là tỷ lệ huy động từ thuế và phí) trên GDP đang trên đà suy giảm, năm 2023 và dự kiến cho 2024 đã thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dự kiến cho năm 2024 đã tiệm cận mức 25% thu ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành chính sách giảm thuế VAT là đúng thẩm quyền.

Tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh

Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đồng thời tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế VAT để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế VAT -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Ghi nhận và đánh giá cao thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành một cách rất quyết liệt, căn cơ, đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh, có thể thấy được tác động tương đối tích cực, hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân từng bước ổn định sản xuất kinh doanh; giúp đời sống của người dân trở lại tương đối bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài từ năm 2020 đến năm 2022, nước ta đã phải chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cùng với tình hình bất lợi, phức tạp của kinh tế thế giới. Bởi vậy, cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể về chính sách tài khóa để thúc đẩy kích cầu tiêu dùng nội địa trong năm 2024 và các năm tiếp theo. “Với giải pháp về việc giảm thuế VAT cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác sẽ tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp các doanh nghiệp giảm một phần chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định phát triển kinh tế về lâu dài”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế VAT -0
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Góp ý về phạm vi áp dụng, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích, dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng tương tự như Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, bối cảnh ban hành Nghị quyết 43 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết 43 chỉ giảm thuế VAT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế VAT 10%. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết 43 cũng đang rất khó khăn như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, đánh giá kỹ lưỡng theo tình hình thực tế hiện nay để quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Rà soát kỹ lưỡng các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng giảm thuế VAT -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cho rằng việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023. Như vậy, cũng cần đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để bảo đảm chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng Nghị quyết, vừa không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước nói chung và thu ngân sách của các địa phương nói riêng.

Minh Trang
#