Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh
Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Trong đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo luật đã quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo).
Do vậy, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng, như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…
Tại dự thảo luật cũng quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để bảo đảm sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm công chứng viên có kiến thức, kỹ năng cập nhật.
Độ tuổi hành nghề của công chứng viên được quy định là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15); công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Để thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tại dự thảo Luật đã quy định giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ; bổ sung một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên, trường hợp được và không được bổ nhiệm lại công chứng viên…
Đồng thời, để phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.
Giám đốc Sở Tư pháp sẽ bổ nhiệm Trưởng phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) bổ nhiệm như hiện nay. Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền. Tên gọi của Văn phòng công chứng cũng được quy định không bắt buộc phải được đặt theo họ tên của một trong số các công chứng viên hợp danh như hiện nay.
Và, quy định rõ nghĩa vụ góp vốn của các công chứng viên hợp danh khi tham gia thành lập mới Văn phòng công chứng cũng như khi hợp danh vào Văn phòng công chứng có sẵn để bảo đảm công chứng viên hợp danh phải thực sự là người góp vốn.
Dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều mới để quy định về công chứng điện tử, trong đó quy định rõ về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy trình công chứng điện tử… Đây là những quy định nhằm tạo cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.
Cần làm rõ căn cứ, tính hợp lý của điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các chính sách thể hiện trong dự thảo luật đều thống nhất với các chính sách được đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật kèm theo Tờ trình số 47/TTr-CP của Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi); các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Dự thảo Luật có 14 nội dung giao Chính phủ, 9 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết. Tuy nhiên, kèm theo Hồ sơ dự án Luật mới có 1 dự thảo Nghị định quy định chi tiết”.
Nhấn mạnh vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo Hồ sơ dự án luật; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nội dung được giao trong dự thảo luật nhưng chưa được quy định chi tiết trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết luật; nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản quy định chi tiết.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, so với Luật Công chứng hiện hành, khoản 1 Điều 17 của dự thảo luật bổ sung quy định: “Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của luật này và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng các giao dịch của tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập”.
Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 73 của dự thảo luật bổ sung quy định “UBND cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương phù hợp với quy định của luật này”.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, công chứng vừa là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, vừa là nghề tư pháp thuộc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp.
Do vậy, cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ tổ chức và hoạt động công chứng phù hợp với đặc thù của việc cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, việc dự thảo luật bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 17 và điểm b khoản 1 Điều 73 là nội dung quản lý mang tính chất quy hoạch phát triển hàng hóa, dịch vụ là chưa phù hợp do loại quy hoạch này đã bị bãi bỏ theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, căn cứ, tính hợp lý và yêu cầu bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong việc quy định bổ sung nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng tại khoản 1 Điều 17 của dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của công chứng viên
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng hiện hành nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; giải quyết những bất cập đã chỉ ra; đáp ứng yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta phát triển nhanh và mạnh, với sự vào cuộc của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…
Đánh giá rất cao việc dự thảo luật đã dành một mục riêng quy định về công chứng điện tử bao gồm nguyên tắc, điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, quy trình, thủ tục công chứng điện tử..., Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, việc triển khai công chứng điện tử sẽ đòi hỏi phải liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang triển khai; công chứng viên cũng sẽ được cấp quyền khai thác, truy xuất thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia…
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật chưa quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng của công chứng viên trong bảo vệ tài khoản, bảo mật thông tin; trách nhiệm thông báo với tổ chức có thẩm quyền để vô hiệu hóa tài khoản đăng nhập, giải quyết hậu quả có liên quan…
Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ hơn về quyền, trách nhiệm của công chứng viên trong quá trình khai thác, truy xuất thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Cho ý kiến với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, dự án luật đã có sự sửa đổi khá căn bản và toàn diện, chỉ giữ nguyên 9 điều trong 81 điều của Luật Công chứng hiện hành, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới.
Nội dung của dự án Luật cũng cơ bản phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng; bám sát các nhóm chính sách được Quốc hội thông qua tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, nghề công chứng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng đồng thời cũng là một loại hình dịch vụ sự nghiệp công và mang tính chất thiết yếu cơ bản.
Do vậy, khi đã thực hiện loại bỏ quy hoạch ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần ban hành định hướng hoặc chiến lược phát triển ngành này nằm trong cải cách hành chính, cải cách tư pháp nói chung. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng sẽ phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập tổ chức hành nghề công chứng.
“Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác, nhưng không cứng như trước đây thực hiện quản lý theo quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đối với vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (tổ chức nghề nghiệp), Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và khả năng tham gia của tổ chức này đến đâu trong việc quản lý công chứng viên; và xu hướng là dần dần Nhà nước nên có sự chuyển giao việc quản lý công chứng viên cho tổ chức nghề nghiệp.
“Kế toán, kiểm toán là một nghề rất quan trọng, được ví như "bác sĩ khám bệnh" cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, mà bây giờ cơ quan quản lý nhà nước không còn cấp chứng chỉ hành nghề; việc chuyển giao cho tổ chức nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề với kế toán viên, kiểm toán viên từng là một "cuộc cách mạng". Đương nhiên, tùy theo từng ngành, mức độ xã hội hóa và sự phát triển của nghề nghiệp đó đủ mạnh thì mới làm được việc này. Nhưng, khi đã có tổ chức nghề nghiệp thì chúng ta cần phải tính đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, khả năng tham gia trong quản lý công chứng viên như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, công phu, cơ bản, bảo đảm chất lượng. Ủy ban Pháp luật cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã tích cực, khẩn trương tổ chức thẩm tra và đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ kỹ càng, với nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trên cơ sở tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Pháp luật tổ chức thẩm tra chính thức để kịp hoàn chỉnh, trình đại biểu Quốc hội đúng thời hạn quy định. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành sớm, gửi các cơ quan có cơ sở để thực hiện.