Nghiêm cấm lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ
Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 Điều, quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Theo quy định của luật, nguyên tắc hoạt động đường bộ là bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ. Thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Luật nghiêm cấm các hành vi: phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật; đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ hoặc làm sai lệch báo hiệu đường bộ.
Đồng thời, nghiêm cấm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe 4 bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép; lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật.
Cấp kỹ thuật của đường bộ được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của đường bộ, bao gồm: đường cao tốc; đường cấp I, II, III, IV, V, VI; đường đô thị; đường cấp A, B, C, D, đường khác.
Bảo đảm chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì phù hợp với từng hình thức đầu tư
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, có ý kiến đề nghị rà soát quy định của dự thảo luật để phù hợp và thống nhất với Điều 261 của Bộ luật Hình sự về các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định của Bộ luật Hình sự và nhận thấy, Điều 7 dự thảo Luật Đường bộ và Điều 9 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện đầy đủ các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ” tại Điều 261 của Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Cũng có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ" tại khoản 4.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 4 Điều 7 như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Về chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 41), có ý kiến đề nghị tách khoản 2 thành 2 khoản: 1 khoản quy định đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 1 khoản quy định đối với kết cấu hạ tầng đường bộ là tài sản công.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 2 thành khoản 2 và khoản 3 để làm rõ trách nhiệm bảo đảm chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với từng hình thức đầu tư và bổ sung khoản 5 Điều này để quy định về trách nhiệm bảo đảm chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.