Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì Phiên giải trình.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội liên quan.
Thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong phòng ngừa, bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương Ủy ban Xã hội là cơ quan đầu tiên của Quốc hội có sáng kiến tổ chức thực hiện giám sát thông qua tổ chức các phiên giải trình từ năm 2010. Đến nay, Ủy ban Xã hội (trước đây là Ủy ban Về các vấn đề xã hội) đã tổ chức 17 phiên giải trình. Các Phiên giải trình của Ủy ban Xã hội đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; nhiều nội dung của phiên giải trình đã làm cơ sở để đưa vào quy định pháp luật, các quyết sách của Quốc hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng hoan nghênh Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây cũng là hoạt động thực hiện Nghị quyết số 969 ngày 25.1.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Ghi nhận, đánh giá cao thời điểm này cả 2 Ủy ban đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị các nội dung tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV nhưng vẫn chủ động chuẩn bị, tổ chức Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Phiên giải trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
"Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 và nhiều Nghị quyết khác của Trung ương đã định hướng nhiệm vụ cụ thể. Một số luật, nghị quyết của Quốc hội đã thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và một số văn bản chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian vừa qua với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong các nhóm đối tượng có xu hướng giảm dần. Công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, xử lý vi phạm được tăng cường và đạt những kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, vẫn còn những mặt hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Cụ thể, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.
Mặt khác, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma tuý (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh. Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ được đánh giá như thuốc lá truyền thống.
Đặc biệt, đối với thanh niên, thiếu niên, làm suy yếu sự phát triển não bộ của trẻ em, vị thành niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm.
Xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương
Để Phiên giải trình đạt hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, thứ nhất, cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này.
Thứ hai, làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật; bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thứ tư, quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ năm, sau phiên giải trình, đề nghị lãnh đạo các Bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội giám sát và Báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm gửi kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu của công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, báo chí phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trước thực trạng sử dụng thuốc lá mới và những hệ lụy của việc sử dụng các sản phẩm này đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, qua công tác theo dõi, giám sát, Ủyban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nhận thức, quan điểm về phương thức quản lý các sản phẩm này chưa được thống nhất, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có những khó khăn, bất cập, hạn chế.
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, qua ý kiến của đông đảo cử tri, của các đại biểu Quốc hội, hai Ủy ban đã tổ chức khảo sát thực tế, nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, làm việc với các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến thuốc lá mới. Hai Ủy ban cũng đã thống nhất tổ chức Phiên giải trình - diễn đàn có sự tham gia của nhiều bên - nhằm mục đích công khai, minh bạch trước đồng bào, cử tri về nhận diện tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; thực trạng tình hình việc mua bán, sử dụng, xử lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Qua đó, tìm sự thống nhất về các giải pháp nâng cao nhận thức, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Cho biết đây là phiên giải trình đầu tiên được triển khai thực hiện theo Nghị quyết 969của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội mong muốn nhận được sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các đại biểu để Phiên giải trìnhsẽ đạt được các mục tiêu đề ra, mang lại kết quả tích cực và đáp ứng mong đợi, yêu cầuđồng bào và cử tri đặt ra.