Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Trung tướng Đỗ Quang Thành và các Ủy viên Thường trực của Ủy ban; đại diện lãnh đạo Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh miền Trung…
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, động viên công nghiệp là một nội dung của động viên quốc phòng, thể hiện quan điểm của Đảng ta về chiến tranh nhân dân, phương thức chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân, chuẩn bị thế và lực sẵng sàng tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc gia. Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh và các cuộc xung đột xảy ra gần đây đều thấy rõ hơn vai trò của động viên công nghiệp, sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, chuẩn bị ngay từ thời bình và cần có những giải pháp mới về động viên công nghiệp để phù hợp với thực tiễn, huy động hiệu quả nhất tiềm lực công nghiệp quốc gia cho nhiệm vụ quốc phòng; phát huy nội lực, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn, thời gian kéo dài của chiến tranh.
Từ khảo sát thực tế ở các doanh nghiệp, Quân khu vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, những dữ liệu thông tin tại Tọa đàm kết hợp với thông tin thực tế khảo sát sẽ rất hữu ích cho Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp.
Qua đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đã gợi ý một số vấn đề cần được bổ sung trong dự thảo Luật; lưu ý các vấn đề về từ ngữ, phạm vi điều chỉnh và áp dụng luật; trình tự quy hoạch; tổ chức hoạt động cần được rà soát kỹ; chính sách phải rạch ròi, nhất là chính sách về tiếp cận đất đai, vốn, nguồn lực... phải rõ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan dự kiến chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật về: khái niệm động viên công nghiệp tại khoản 2 Điều 2; quy định 8 nhóm nhiệm vụ của động viên công nghiệp tại khoản 3 Điều 3; các nhiệm vụ và hoạt động cụ thể của động viên công nghiệp được thiết kế ở Chương III với 2 mục (Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp) từ Điều 37 đến Điều 52…; các chế độ, chính sách cho doanh nghiệp động viên công nghiệp và người lao động tham gia động viên công nghiệp được quy định cụ thể ở các Điều 55 và Điều 59 Chương IV.
Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề lớn như: việc mở rộng lĩnh vực, đối tượng động viên công nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (dưới 49% vốn); việc khảo sát, lựa chọn, đăng ký, quản lý, theo dõi năng lực doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp đã bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, khả thi, sát với yêu cầu của động viên công nghiệp.
Các đại biểu đánh giá các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động tham gia trực tiếp hoạt động động viên công nghiệp đang được quy định theo hướng cụ thể, sát với yêu cầu của động viên công nghiệp, bảo đảm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho động viên công nghiệp.