Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 09:47 - Chia sẻ

Sáng nay, 27.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tạo thuận lợi trong cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú -1
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật cũng bảo đảm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Dự thảo Luật có 3 Điều. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Công an, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Trong đó, tập trung vào 2 nhóm nội dung: một là, để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung: tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực 

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung hai Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.

Xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Đồng thời, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bảo đảm phù hợp với các Hiệp định biên giới của Việt Nam ký kết với các nước; bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú -0
Các đại biểu dự Kỳ họp. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí với đề xuất bỏ điểm a, c khoản 2 Điều 15 Luật hiện hành quy định về việc trực tiếp đến nộp các loại giấy tờ chứng minh thông tin cơ bản của cá nhân và bổ sung thêm khoản 9 quy định cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân, tiết kiệm được chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho biết, có một số ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, các ý kiến này đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; sửa đổi khoản 3 Điều 17 về thị thực SQ theo hướng bổ sung một điểm quy định Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được cấp thị thực SQ trong một số trường hợp đối ngoại cần thiết hoặc khẩn cấp; về hiệu lực thi hành phù hợp yêu cầu cấp thiết ban hành Luật, quy định chuyển tiếp; rà soát các quy định có liên quan đến chức vụ ngoại giao, chức vụ lãnh sự trong Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài…

Thụy Vũ
#