Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì hội thảo.
Theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 - 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 6.2024).
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện một bước dự thảo Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 31 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 vừa qua. Sau hội nghị, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Đấu giá tài sản hiện hành và bổ sung 2 điều mới, các điều khoản khác chỉ sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật. Đồng thời, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã tăng 17 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, nhưng trong đó một số khoản được thiết kế và sắp xếp lại để phù hợp với kỹ thuật lập pháp mà không thay đổi nội dung.
Các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận về: phạm vi sửa đổi, tài sản đấu giá, các hành vi bị nghiêm cấm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, các hình thức đấu giá và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến; quy định về mua hồ sơ tham gia đấu giá tài sản; quy định quyền của người có tài sản có trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu gia; thay đổi ngày giờ đấu giá…
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, luật hiện hành và dự thảo luật đang quy định cho phép người tham gia đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Các đại biểu băn khoăn, việc quy định như vậy có phù hợp không, có vướng mắc, hạn chế không, có cần bổ sung đối tượng là người có tài sản đấu giá trong việc thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện và trách nhiệm các bên có liên quan hay không?
Ngoài ra, quy định về thời điểm mà người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã phù hợp chưa?
Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 dự thảo luật đã đầy đủ và phù hợp chưa? Có cần thiết phải bổ sung quy định về việc gộp các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để đấu giá nhằm hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc đấu giá hay không, bởi như vậy sẽ hạn chế quyền của người có tài sản đấu giá?
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đây là những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, thẳng thắn, khoa học, trọng tâm, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để sớm hoàn thiện dự án luật.