Thỏa thuận hợp tác nêu rõ, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khẳng định ý nghĩa lịch sử của các nhận thức chung quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Căn cứ các nội dung liên quan của Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2022, 2023, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước vào giai đoạn mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn; tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.
Để kế thừa và phát huy truyền thống hữu nghị “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc nhất trí: Căn cứ theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, hai bên tiếp tục triển khai hợp tác trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế và pháp luật mỗi nước.
Hai bên nhất trí cho rằng, giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa hai cơ quan lập pháp là một bộ phận cấu thành quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; cần tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát và quản trị đất nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới. Hai bên sẽ tiếp tục tích cực triển khai giao lưu và hợp tác hữu nghị giữa Lãnh đạo, các Ủy ban chuyên môn, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, các đơn vị công tác, Hội đồng nhân dân/Nhân đại địa phương, đặc biệt là Hội đồng nhân dân/Nhân đại các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước.
Để nâng tầm hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, hai bên nhất trí thành lập Ủy ban hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc là đồng Chủ tịch.
Ủy ban hợp tác họp 2 năm một lần, được tổ chức luân phiên, có nhiệm vụ làm sâu sắc và tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, góp phần nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Ủy ban hợp tác đóng góp ý kiến và kiến nghị trong việc triển khai hợp tác trên các lĩnh vực của cơ quan lập pháp hai nước và thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và quản trị đất nước; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực như quản trị xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; cùng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, không ngừng củng cố nền tảng xã hội hữu nghị giữa hai nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước.
Hai bên sẽ thông qua các hình thức như: trao đổi đoàn, tổ chức khóa bồi dưỡng - nghiên cứu, hội thảo chuyên đề, hội nghị trực tuyến, tăng cường giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu, đào tạo nghiệp vụ cho đại biểu và cán bộ cơ quan tham mưu, giúp việc; tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển của hai nước.
Trong phạm vi quyền hạn của mỗi bên, hai bên thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, tài chính tiền tệ, an ninh lương thực, phát triển xanh, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, giao lưu nhân dân… đẩy nhanh hợp tác chất lượng cao, thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” và sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Hai bên cũng sẽ tiếp tục tăng cường ủng hộ lẫn nhau và phối hợp trên các diễn đàn quốc tế; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; bảo vệ công bằng, chính nghĩa quốc tế và lợi ích chung của các nước đang phát triển; thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực và trên thế giới.