Chuyển đổi số quốc gia là quá trình “dò đá qua sông”
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Năm, sáng nay, 10.6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước.
Tại tổ 9 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre), các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cư trú, thực hiện các giao dịch của công dân cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư trong tình hình mới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cơ sở chính trị để xây dựng luật là các Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, cải cách hành chính… Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp cũng quy định rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật, liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng để đáp ứng cấp độ 4 về bảo đảm an toàn thông tin.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn là cơ sở gốc để làm căn cước công dân. Qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ và các cơ quan cho rằng, việc cấp căn cước công dân là bước tiến mới trong chuyển đổi số quốc gia. Thực tế, chuyển đổi số quốc gia là quá trình “dò đá qua sông”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa phải bảo đảm tiệm cận với trình độ phát triển công nghệ của thế giới, vừa đặt ra yêu cầu về quản lý. Khi đi giám sát, một trong những nguyên nhân khó đánh giá tình hình nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia. Số liệu rất mênh mông, dù khoa học thống kê đã phát triển, nhưng để đánh giá nhận định tình hình thì phải bằng các “con số biết nói”. Nếu không nhanh chóng phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia thì sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước tốt, kết nối và chia sẻ được, thì chỉ cần căn cước công dân thôi, thay vì phải dùng đến 5 loại giấy tờ, tiết kiệm được chi phí. Nhưng quá trình làm, chúng ta phải chấp nhận “sự quá độ” nên trong chừng mực nào đó còn có hạn chế. Đơn cử như hiện nay có chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sau đó lại có căn cước công dân gắn chip, căn cước công dân không gắn chip và thẻ căn cước - như vậy là có 5 loại cùng song hành. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, một là quy định thời hiệu hết hiệu lực như trong dự thảo luật; hai là khi nào hết hiệu lực thì tự tiêu vong. Trong thành công chắc chắn còn có hạn chế, quan trọng là chúng ta phải làm sao có giải pháp kỹ thuật để khắc phục hạn chế này.
Cấp quyền khai thác thông tin phù hợp với yêu cầu quản lý
Đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ như thế nào, “có đai”, “có rào” để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người. Cần quy định cụ thể việc cấp quyền khai thác ra sao, ai được truy xuất và quyền truy xuất đến đâu chứ không phải ai cũng có quyền khai thác. Ví dụ: tích hợp giấy phép lái xe thì cơ quan nào cần truy xuất giấy phép lái xe thì chỉ truy xuất giấy phép lái xe; cơ quan nào cần truy xuất thẻ bảo hiểm thì chỉ được phép khai thác dữ liệu về bảo hiểm. Vấn đề này cần được quy định trong luật hay văn bản dưới luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không truy xuất trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà phải truy xuất trong thẻ căn cước? Đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) nêu rõ, việc thẻ căn cước tích hợp nhiều thông tin cá nhân, nên cơ quan, tổ chức, người khai thác có thể khai thác được bí mật cá nhân của người khác thông qua thẻ căn cước. Do đó, đề nghị, cần bổ sung quy định, chỉ cấp quyền khai thác thông tin tích hợp trong căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể. Và cần có sự đồng ý, giám sát của công dân.
Nhiều ý kiến còn băn khoăn có lãng phí không? Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng không lãng phí mà còn tiết kiệm hơn. Thẻ căn cước thay được các giấy tờ khác, thì mỗi năm lại tiết kiệm thêm cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng. Một giấy phép lái xe 135 nghìn đồng, từ 10 – 50 nghìn đồng/1 văn bằng, chứng chỉ; in thẻ bảo hiểm là 2 nghìn đồng; chứng thực công chứng là 2 – 10 nghìn đồng… Như vậy, một thẻ thay thế được cho nhiều thẻ thì sẽ tiết kiệm hơn.
Về cấp, quản lý căn cước điện tử, có đại biểu băn khoăn, có những nơi người dân không có nhu cầu, nhất là ở các huyện vùng sâu,vùng xa rất khó tiếp cận được thông tin. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có những thôn còn không có sóng, do đó, cần đánh giá tác động và có giải pháp về vấn đề này.