Tham dự có: đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học...
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia là kênh thông tin khoa học độc lập giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến; xem xét, thông qua dự án Luật.
Thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi người lao động được hưởng khi tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam.
Trong lần sửa đổi này, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật đã xác định Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chế độ: trợ cấp hưu trí xã hội; trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm y tế đối với người hưởng trợ cấp hàng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Điều này là cần thiết và phù hợp, do nhiều chính sách cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước để chuyển sang một hệ thống mang tính bao phủ tốt hơn, đạt được mục tiêu nhanh hơn như giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; hỗ trợ người đã tham gia bảo hiểm xã hội song chưa đủ số năm đóng tối thiểu để hưởng hưu trí; tăng mức trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Liên quan đến quy định xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, các đại biểu cho rằng, cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên thực tế, đã xuất hiện các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và dự báo nhiều khả năng tiếp tục xảy ra.
Do đó, các đại biểu đề nghị, cần nhận diện thật rõ, đúng về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội khác với chậm đóng. Trên cơ sở đó mới quy định phương thức xử lý; mức độ xử lý; cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.
Với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội khi bị phát hiện, có ý kiến đề xuất, áp dụng biện pháp truy thu đủ số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội; phạt theo tỷ lệ phần trăm số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội bị phát hiện…