Hội nghị có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa họctrong nước và quốc tế.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương và thực hiện nhất quán chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Luật Trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016 cũng khẳng định nguyên tắc: “Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em”.
Trên thế giới, văn kiện quốc tế quan trọng nhất liên quan đến tư pháp người chưa thành niên là Công ước về Quyền trẻ em 1989. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào ngày 20.2.1990. Công ước đưa ra các nguyên tắc cơ bản cần có trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên và yêu cầu các quốc gia thành viênthúc đẩy việc ban hành luật pháp, thiết lập các thủ tục, cơ quan, thiết chế đặc biệt dành cho trẻ em bị tình nghi, bị truy tố hoặc bị kết luận là vi phạm pháp luật.
Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp và phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên; coi đây là giải pháp khả thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5.2024 tới đây và thông qua tại kỳ họp tháng 10.2024. Hội nghị được Ủy ban Tư pháp tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế về các định hướng lớn xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam, qua đó phục vụ cho việc nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật này.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 7 chuyên đề của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; trên cơ sở đó, trao đổi, thảo luận và gợi mở thêm những định hướng quan trọng, những nội dung lớn trong việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam.
Trong đó, các đại biểu đã tập trung làm rõ việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên, các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên là bị hại, người chưa thành niên là người làm chứng và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới khi xây dựng một đạo luật dành riêng cho người chưa thành niên.
Chủnhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trân trọng cảm ơn và đánh giá cao ý kiến của cácđại biểu đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, quý báu giúp Ủy ban Tư pháp đánh giá về thực trạng và có thêm các căn cứ thực tiễn, lý luận phục vụ cho công tác thẩm tra dự án Luật thời gian tới.