Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, qua giám sát sơ bộ của Đoàn giám sát, nhìn chung, công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương luôn quan tâm, hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng.
Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm các chế độ, chính sách, quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công bằng, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ dân tộc thiểu số được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ.
Ở địa phương, nhiều tỉnh (nhất là khu vực miền núi phía Bắc) có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đạt mức yêu cầu theo Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ được bộ, ngành và các địa phương quan tâm, có cơ cấu, tính đến nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Một số địa phương có thêm chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ dân tộc thiểu số rất ít người.
Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp và xem xét các báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, công tác cán bộ dân tộc thiểu số còn một số vấn đề tồn tại cần được nghiên cứu, làm rõ và đưa ra phương án giải quyết, như: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội; thực tiễn quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, Đoàn giám sát làm việc với 4 Bộ với mục tiêu xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật, kết quả đạt được trong công tác cán bộ dân tộc thiểu số thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của 4 Bộ và những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Qua đó, có căn cứ và cơ sở thực tiễn để kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục các tồn tại, hạn chế, kịp thời điều chỉnh, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn và đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của chính sách, pháp luật đối với công tác cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo tóm tắt những nhận định, đánh giá chung của Đoàn giám sát về báo cáo của 4 Bộ. Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, các Bộ tiếp tục làm rõ công tác phối hợp với các địa phương trong thực hiện chế độ cử tuyển; đánh giá kỹ nội dung nào về chính sách đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số cần tiếp tục triển khai thực hiện; nội dung nào cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới; làm rõ cơ chế, chính sách giữa các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú có gì khác biệt…
Ý kiến bạn đọc