Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực dược. Luật Dược được ban hành vào năm 2016, trong quá trình thi hành, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, vì vậy việc sửa đổi là rất cần thiết.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Do đó, Hội thảo được tổ chức để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm cung cấp thêm thông tin, tài liệu tham khảo, phục vụ cho quá trình thẩm tra dự án Luật.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý.
Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý các chất được sử dụng làm thuốc nhưng bị cấm sử dụng trong lĩnh vực của mình và phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dược theo phân công của Chính phủ”.
Nhiều ý kiến nhận thấy, việc sửa đổi như trên là không rõ, chưa đầy đủ, vì chỉ giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý các chất được sử dụng làm thuốc nhưng bị cấm sử dụng trong lĩnh vực của mình, vậy còn các chất khác không bị cấm, thuốc và nguyên liệu làm thuốc trong lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách thì cơ quan nào sẽ quản lý?
Vì vậy, đề nghị quy định như Luật Dược hiện hành là: “Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược và phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dược theo phân công của Chính phủ”.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “thuốc nghiên cứu”, bên cạnh đó cần có chính sách, biện pháp hạn chế số thuốc trùng lặp lưu hành trên thị trường để tránh gây nhầm lẫn cho bệnh nhân, hay thậm chí cả người bán thuốc khi kê đơn và không phân biệt được chất lượng thuốc.
Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung trọng tâm như: giải thích từ ngữ; chính sách phát triển ngành dược; một số loại hình kinh doanh mới; gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc; sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế...
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Dược, đồng thời thảo luận toàn diện vào các điều khoản cụ thể, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, nội dung góp ý sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ trong quá trình thẩm tra dự án Luật.