Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh cho rằng nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền. Chỉ nên phân cấp, ủy quyền ở những cấp quản lý hành chính chung - không áp dụng với các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, quận, thị xã bởi tính chất của ủy quyền là chỉ cơ quan chủ quản mới có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc mình.
Về việc phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, GS.TS. Phạm Hồng Thái (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu vấn đề, Hà Nội có cần thành lập thêm các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố hay không? Nếu cần thì việc giao cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định là hợp lý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, việc giao cho HĐND thành phố Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi vì liên quan đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.
Góp ý về quy định thành phố trực thuộc Thủ đô, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cho dù thành lập thành phố trong thành phố thì thành phố đó vẫn là một chủ thể, cấp chính quyền hoàn chỉnh. Cấp chính quyền này phải có cả cơ quan lập pháp và hành pháp; riêng tư pháp do yêu cầu của việc thực thi thống nhất trên toàn lãnh thổ thì bộ máy tư pháp không nên được tổ chức trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố trong thành phố.
PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị thành phố Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND ở cả cấp phường và quận), quy định trong Luật Thủ đô với tính chất là một văn bản có giá trị lâu dài, ổn định.
Nhất trí với dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) và mong dự án Luật sớm được thông qua, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị, về cơ chế, chế độ, chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội, Quốc hội cần có sự phân biệt rõ về đối tượng để có quy định phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ nhân tài; cũng như xây dựng quy trình tuyển dụng có sự tham gia của các cơ quan đại diện như Bộ Nội vụ trong Hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, bảo đảm tính minh bạch...
Tại hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.