Tăng cường hiệu quả quản lý an ninh, trật tự tại cơ sở
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, sáng nay, 20.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Đến nay hồ sơ dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia.
Theo đó, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện. Đồng thời, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, trong điều kiện hiện nay, khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, do nội dung dự thảo Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng Luật.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế thấp nhất hậu quả cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây và lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.
Đồng thời, xuất phát từ vị trí, chức năng của lực lượng này là tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan tại dự thảo Luật về nhiệm vụ cho phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng này.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở
Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật này. Các đại biểu cho rằng, dự án Luật đã được hoàn thiện kỹ lưỡng hơn nhiều so với hồ sơ trình tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Trong đó, ĐBQH Lê Nhật Thành (TP. Hà Nội) cho rằng, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cùng lực lượng Công an chính quy nhưng lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ Công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; các điều kiện bảo đảm cũng chưa phù hợp… “Công an chính quy nắm chắc về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tình hình địa bàn còn nhiều hạn chế. Do đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò quan trọng”, đại biểu Lê Nhật Thành nói.
Tại Điều 4 dự thảo Luật đã quy định tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, ĐBQH Chá A Của (Sơn La) băn khoăn khi quy định tại khoản b, Điều 4 yêu cầu người tham gia lực lượng này có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung học phổ thông do cơ quan có thẩm quyền cấp; những nơi không có đủ người có tiêu chuẩn trung học phổ thông thì có thể xét chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở. Theo đại biểu, một thực tế đang tồn tại ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa là các cá nhân đã học hết chương trình trung học phổ thông, trung học cơ sở đều đi làm xa nhà, chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại thôn, bản. Đại biểu Chá A Của cho rằng, với những cá nhân đã đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản a, d của Điều 4 thì chỉ nên đưa ra yêu cầu đối tượng tham gia đã biết đọc, biết viết.
Điều 2 dự thảo Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xác định là lực lượng có chức năng hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn, tổ dân phố. Do vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các quy định từ Điều 7 đến Điều 12 của dự thảo Luật về nhiệm vụ của lực lượng này, vì các nhóm nhiệm vụ nhìn chung đều “nặng” so với vị trí, chức năng của một lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong hoạt động bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.
Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (TP. Hà Nội) lưu ý, dự thảo Luật mới khái quát mối quan hệ công tác với HĐND, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã, chưa thể hiện rõ về mặt quan hệ giữa các bên trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chung. “Có tâm lý tại cơ sở xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự là việc của lực lượng Công an; việc tham gia của các tổ chức khác khá bị động, chưa thực sự tích cực. Với Luật này, tôi kỳ vọng không chỉ xây dựng lực lượng nòng cốt mà cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.