Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi

- Thứ Ba, 11/07/2023, 18:04 - Chia sẻ

Ngày 11.7, tại tỉnh Quảng Ngãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi -0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Dự cuộc làm việc có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương, thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia…

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, triển khai chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm liên quan đến lĩnh vực điện và năng lượng, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và thống nhất với các luật, nghị định, thông tư liên quan. Quảng Ngãi hiện có 20 nhà máy điện đang vận hành, trong đó có 16 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời, 2 nhà máy nhiệt điện tự dùng. Với phụ tải điện hiện tại và các nguồn trong tương lai, UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, nguồn và lưới điện bảo đảm cung ứng điện đầy đủ cho nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là bảo đảm cung cấp cho các nhà máy trong Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu

Với các nhà máy thủy điện, các chủ đầu tư đều thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thực hiện mỗi dự án. UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư trước khi vận hành nhà máy vào mùa mưa bão phải tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, để có giải pháp kịp thời bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong thời điểm này mỗi năm.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã bị chậm tiến độ 48 tháng. Hiện tại, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đang triển khai dự án điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, nỗ lực xây dựng các giải pháp để rút ngắn tiến độ thực hiện cho từng bước, từng mốc công việc.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thế, đánh giá toàn diện việc ban hành văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực này, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển năng lượng, trong đó có quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn điện, quy định về sử dụng lòng hồ thủy điện, ban hành cơ chế giá khuyến khích phát triển dự án thủy điện tích năng, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà…

Đoàn giám sát đánh giá cao việc UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực chuẩn bị nội dung báo cáo kỹ lưỡng, tập trung vào các nội dung yêu cầu của Đoàn, đề cập thẳng thắn các vấn đề khó khăn, tồn tại, bất cập. Một số ý kiến lưu ý, Quảng Ngãi được xác định là một trong những trung tâm năng lượng của quốc gia, do đó cần nghiên cứu, rà soát để xây dựng các giải pháp nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nêu thực tế trên địa bàn tỉnh hiện có thủy điện Đakđrinh đã hoạt động 8 năm nhưng nhiều hộ gia đình chưa được hỗ trợ giải phóng mặt bằng; thủy điện ĐakBa đã hoàn thành nhiều hạng mục nhưng chưa được giao đất; thủy điện Kà Tinh đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một số ý kiến đề nghị, UBND tỉnh, các sở ngành làm rõ nguyên nhân của những bất cập trong thực hiện ba dự án thủy điện này và giải pháp khắc phục.

Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi -0
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh phát biểu

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, đại diện Sở Công thương, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất… đã giải trình, làm rõ các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đưa ra. 

Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao việc Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 286-KH/TU ngày 15.6.2020 thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời đề nghị, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh, bảo đảm bao quát, đầy đủ, số liệu thống nhất; chỉ rõ các điểm vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật về lĩnh vực phát triển năng lượng, lý do tại sao và đề xuất hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật. “Đây không chỉ là câu chuyện cho Quảng Ngãi mà còn là cho một trung tâm năng lượng, lọc khí hóa dầu quan trọng của quốc gia, nên Báo cáo của UBND tỉnh cần tăng cường nội dung này”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh. 

Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi -0
Quang cảnh buổi làm việc

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng lưu ý, phương án phát triển điện lực nói riêng, phát triển năng lượng nói chung cần được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch điện VIII đã ban hành là cơ sở để địa phương rà soát, tiếp thu để đưa vào Quy hoạch tỉnh.

+ Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 đã đến khảo sát tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi -0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn

Theo Báo cáo của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, thời gian qua, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và trong toàn Công ty luôn tuân thủ, thực hiện đúng theo quy định và cập nhật thường xuyên các văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, lao động, sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Công ty đang triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên mức 171.000 thùng/ngày, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V.

Đoàn giám sát về phát triển năng lượng làm việc với tỉnh Quảng Ngãi -0
Đoàn giám sát khảo sát tại Trung tâm điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án này đang gặp một số vướng mắc do các giai đoạn thực hiện để đi đến quyết định đầu tư dự án có sự khác nhau giữa thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Do vậy, Công ty kiến nghị, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo hướng rút ngắn các thủ tục phê duyệt đầu tư của cơ quan Nhà nước, tạo cơ chế chủ động, phân cấp mạnh cho chủ đầu tư trong hoạt động đầu tư dự án đặc thù của ngành dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, đầu tư giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng xanh (như H2 xanh) theo lộ trình cân bằng carbon “Net Zero” vào năm 2050 có chi phí đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao, nên cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này trong dài hạn.

Theo Báo cáo của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, trong thời gian qua, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và trong toàn Công ty luôn tuân thủ, thực hiện đúng theo quy định và cập nhật thường xuyên các văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, lao động, sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Công ty đang triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên mức 171.000 thùng/ngày, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án này đang gặp một số vướng mắc do các giai đoạn thực hiện để đi đến quyết định đầu tư dự án có sự khác nhau giữa thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Do vậy, Công ty kiến nghị, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo hướng rút ngắn các thủ tục phê duyệt đầu tư của cơ quan Nhà nước, tạo cơ chế chủ động, phân cấp mạnh cho chủ đầu tư trong hoạt động đầu tư dự án đặc thù của ngành dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, đầu tư giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng xanh (như H2 xanh) theo lộ trình cân bằng carbon “Net Zero” vào năm 2050 có chi phí đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao, nên cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này trong dài hạn.

Thanh Hải
#