Cùng dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh là thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Thành phố và Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng.
Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng cho thấy, trên cơ sở chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các sở, ngành, địa phương xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội; đã chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo và quản lý đối với từng lĩnh vực, như: đầu tư xây dựng công trình giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn giao thông, quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái… Nhờ đó, đã góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, từ thực tiễn, Hải Phòng thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thực tiễn công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhiều văn bản được điều chỉnh, bổ sung, nội dung chồng chéo, gây khó hiểu, khó thực hiện đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng, thi hành.
Một số người tham gia giao thông khi đi qua giao cắt đường bộ với đường sắt không chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chưa ý thức về sự nguy hiểm khi băng qua đường sắt khi tàu sắp tới, cố ý vượt qua đường sắt dẫn tới tai nạn. Quy định về việc đầu tư xây dựng, hoạt động cảng, bến thủy nội địa hiện còn chồng chéo, bị điều chỉnh bởi nhiều luật, như Luật Xây dựng, Luật Đê điều... chưa có hướng dẫn, cụ thể, thống nhất để triển khai áp dụng…
Hải Phòng kiến nghị, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, quy chế phối hợp, phạm vi quản lý. Xem xét cơ chế, chính sách tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt, đường thủy nội địa để chia sẻ gánh nặng cho đường bộ. Chính phủ kịp thời ban hành các nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với thực tế và tình hình mới…
Đoàn giám sát cho rằng, thời gian qua, Hải Phòng đã tích cực triển khai chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2009 - 2023; kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc, nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm, kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững.
Với thực trạng phương tiện tham gia giao thông cá nhân ngày càng gia tăng nhanh chóng, một số ý kiến đề nghị, Hải Phòng làm rõ có định hướng phát triển giao thông công cộng hay không? Quy hoạch dành cho giao thông tĩnh là bao nhiêu? Kế hoạch, nguồn lực và các giải pháp để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trong thời gian tới như thế nào?...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận những kết quả Hải Phòng đạt được trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn; đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cũng như công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, yếu kém.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị, Hải Phòng cần nêu rõ các nội dung vướng mắc cũng như kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật, nhất là kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật. Do đó, Hải Phòng cần tiếp tục bổ sung thông tin, làm cơ sở để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Về số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, những kết quả đạt được là chưa ổn định, đặc biệt trong năm 2023, tỷ lệ này đều tăng đột biến. Vì vậy, Hải Phòng cần chỉ đạo, phân tích, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý cho trước mắt và lâu dài.