Bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội đã hết sức trách nhiệm trong việc tổ chức các hội thảo, làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật và đôn đốc Chính phủ rà soát, hoàn thiện hoàn thiện dự thảo luật với nhiều điểm tiến bộ.
Đề cập một số vấn đề cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) nhấn mạnh, các quy định về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý từ Điều 37 đến Điều 40, đặc biệt tại Điều 41 về cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, quy định này còn chưa tương thích với Luật Bảo hiểm y tế và với chính dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cụ thể, khoản 3, Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế về xử lý vi phạm quy định cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng, hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như sau: khi chủ sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm y tế sau 30 ngày thì thẻ bảo hiểm y tế của người lao động tạm thời không có giá trị sử dụng.
"Như vậy, vi phạm của người sử dụng lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Thực tế, tùy từng trường hợp, thẻ bảo hiểm y tế của người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội can thiệp, tạo điều kiện cho người lao động có quyền lợi trong khám, chữa bệnh".
Nêu vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị nghiên cứu quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động hoặc có chế tài xử lý đối với doanh nghiệp đã vi phạm.
Cùng quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm, dịch vụ việc làm… để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. "Quy định này nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch", đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cũng đề nghị quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.
Liên quan đến các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu đề nghị cần quy định chế độ công khai rộng rãi về thông tin tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp này, để người lao động có thể theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động.
Điều 39 dự thảo luật quy định xử lý vi phạm về chậm đóng bảo hiểm xã hội; Điều 40 dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nội dung biện pháp xử lý của hai điều luật này cơ bản giống nhau. Trong khi đó, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể áp dụng thêm biện pháp hình sự. Lưu ý vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị chỉnh lý Điều 40 theo hướng rút gọn thành hai khoản: khoản 1 quy định về các biện pháp xử lý theo quy định như Điều 39; khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy đinh pháp luật.
Hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được phân định rõ ràng tại Điều 37, 38 dự thảo luật và có phân định theo thời gian. Theo đó, trong khoảng thời gian sau thời hạn phải đóng quy định tại khoản 6, Điều 33 đến hết 60 ngày mà chưa đóng thì xác định là chậm đóng, sau 60 ngày tiếp theo chưa đóng thì xác định là trốn đóng.
"Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi vi phạm này. Đồng thời, hành vi trốn đóng cần được đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, bảo đảm sự nhất quán, kết nối giữa hai hệ thống pháp luật", đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.
Linh hoạt hơn về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, tại khoản 1, Điều 53 dự thảo luật quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai”.
Qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu rõ, có nhiều ý kiến đối với nội dung này.
Lao động nữ mang thai thường được bác sỹ chỉ định khám thai định kỳ. Tuy nhiên, tùy theo tình hình sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi, bác sỹ chuyên khoa sẽ có chỉ định trong quá trình khám thai, có thể 30 ngày/lần, có thể ngắn hơn. Để tạo sự linh hoạt cho nữ lao động đi khám thai trong thai kỳ, đại biểu đề nghị nên quy định có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày, hoặc có thể quy định nghỉ tối đa 10 ngày trong suốt thai kỳ để đi khám thai định kỳ.
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, một chu kỳ khám thai là 5 lần, tuy nhiên ĐBQH Nguyễn Tri Thức (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nên chia ra hai trường hợp: thai bình thường và thai bệnh lý. Thai bình thường trung bình khám thai là 5 lần, thời gian khám trung bình là 1 ngày, có trường hợp đặc biệt là 2 ngày. Thai bệnh lý nên có linh hoạt hơn trong thời gian nghỉ việc để đi khám thai.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai là tối thiểu 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần trong trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đại biểu, người lao động mang thai bình quân theo chỉ định của bác sỹ là cứ 1 tháng đi khám một lần, chưa kể những tháng cuối của thai kỳ, nhằm theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi, nếu dự thảo luật quy định lao động nữ được khám thai tối đa 5 lần trong thai kỳ thì sẽ dẫn đến nhiều lần lao động nữ phải xin nghỉ việc, nghỉ phép khám bệnh không lương.