Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương và lãnh đạo một số doanh nghiệp, nhà tài trợ.
Thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ngày 30.1.2023 về nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng và góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026), tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Sơn Dương là huyện lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang với 31 xã, trong đó có tới 25 xã thuộc khu vực III, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 7 xã và 72 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, 14 xã vùng ATK. Toàn huyện có trên 9 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 18% dân số của huyện. Đến hết năm 2022, huyện Sơn Dương có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiêu chí bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã.
Theo Đề án, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới; trong giai đoạn 2023 - 2025 duy trì nâng cao tiêu chí 13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hoàn thành xây dựng xã Sơn Nam đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024; xây dựng và phát triển thị trấn Sơn Dương đạt tiêu chí đô thị văn minh... Theo tính toán, để thực hiện Đề án cần trên 3.431 tỷ đồng, trong đó, tổng nguồn vốn đã xác định là 1.700 tỷ đồng, tổng số nguồn vốn còn thiếu chưa xác định được nguồn là 1.731 tỷ đồng.
Để thực hiện các mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang mong muốn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ nguồn lực để huyện Sơn Dương tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở về về giáo dục, y tế, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân...
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp đã góp ý kiến cụ thể về các mục tiêu của Đề án, các nhiệm vụ trọng tâm, việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hoá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra; đồng thời đưa ra các cam kết sẽ hỗ trợ các hạng mục để Tuyên Quang thực hiện thành công Đề án.
Qua nghe báo cáo của tỉnh và các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đã tham dự rất đông đủ cuộc làm việc và đưa ra những cam kết cụ thể, phát huy sức mạnh tổng thể cùng nhau hỗ trợ xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc hỗ trợ nguồn lực để Sơn Dương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị to lớn, vừa thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nông thôn mới, vừa tri ân những đóng góp của đồng bào các dân tộc huyện Sơn Dương nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung - vùng đất lịch sử đã hai lần vinh dự được chọn làm Căn cứ địa cách mạng, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và lãnh đạo cách mạng cả nước. “Do đó, đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của tất cả chúng ta. Điều này cũng góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Lưu ý một số nội dung cụ thể trong thực hiện Đề án, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, tiếp tục rà soát tổng thể các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Đề án, đặc biệt chú trọng vấn đề phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác nhằm tạo dựng sinh kế bền vững cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tính toán nguồn tăng thu từ tiết kiệm chi, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để có các đề xuất hỗ trợ hợp lý nguồn lực từ ngân sách nhà nước giúp địa phương có thêm nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của huyện Sơn Dương và tỉnh Tuyên Quang, song, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước và các cam kết cụ thể đã được lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp đưa ra, với tinh thần "huy động tổng lực, góp gió thành bão” sẽ thực hiện thành công Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.